Từ năm 2018, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chọn tháng 5 hàng năm là Tháng Nhân đạo. Hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức xã hội, khơi dậy và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Với chủ đề “Gắn kết cộng đồng-lan tỏa hành động nhân ái”, Tháng Nhân đạo năm nay toàn tỉnh đặt mục tiêu vận động nguồn lực trên 5 tỷ đồng để trợ giúp cho trên 3.000 lượt người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Tháng Nhân đạo năm 2022 là tháng cao điểm toàn dân làm nhân đạo, có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) trong công tác nhân đạo.
Đây là dịp để những người làm công tác nhân đạo ôn lại lịch sử lâu đời của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò trợ giúp nhân đạo cho đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng.
Tháng Nhân đạo năm 2022 được triển khai trên toàn tỉnh, bắt đầu từ ngày 1-5 đến ngày 31-5, tập trung cao điểm từ ngày 8-5 đến ngày 19-5-2022. Trong dịp này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đặt mục tiêu vận động được trên 5 tỷ đồng, hỗ trợ ít nhất 3.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn với hình thức trợ giúp và mức trợ giúp thích hợp.
Mỗi huyện, thành, Hội đăng ký xây dựng ít nhất 1 công trình nhân đạo, trị giá tối thiểu 20 triệu đồng/công trình, đồng thời có ít nhất 200 địa chỉ nhân đạo được giới thiệu và kết nối thông qua hệ thống iNHANDAO, trong đó mỗi huyện, thành giới thiệu được ít nhất 20 địa chỉ mới. Mỗi chương trình gắn địa chỉ nhân đạo có sự tham gia ủng hộ trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đối với các địa phương, trong Tháng Nhân đạo mỗi Hội huyện, thành phấn đấu vận động xây dựng Quỹ đạt tối thiểu 50 triệu đồng, khuyến khích các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền thành lập Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ (vận động, xây dựng quỹ trong cán bộ, đảng viên).
Đặc biệt, 100% HCTĐ cấp huyện, xã có bài tuyên truyền về Tháng Nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ được phát ít nhất 2 lần trong tháng trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã; mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tuyên truyền, phản ánh các hoạt động nhân đạo trên các nền tảng xã hội.
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến hoạt động nhân đạo, người đã sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong suốt 23 năm (từ năm 1946 đến năm 1969). Người căn dặn: "Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ".
Và thực tế 2 năm qua, khi nhân loại phải gồng mình chống chọi với nhiều thiên tai và đại dịch COVID-19 thì tình đoàn kết, nhân ái được lan tỏa như một biểu tượng sức mạnh tinh thần giúp chúng ta vượt qua khó khăn. Hoạt động nhân đạo, từ thiện càng trở thành việc làm thường xuyên, liên tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và toàn xã hội quan tâm.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tiền hỗ trợ làm “Nhà nhân đạo” cho người nghèo tại xã Yên Ninh, (Phú Lương).
HCTĐ tỉnh hiện có hơn 75 nghìn hội viên, trên 5 nghìn tình nguyện viên và hơn 146 nghìn thanh thiếu niên CTĐ. Phát huy vai trò cầu nối nhân đạo, những năm qua, công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ đạt được những thành tích nhất định, khẳng định vai trò, vị thế của Hội trong xã hội.
Qua 4 năm tổ chức, Tháng Nhân đạo đã góp phần giúp đỡ, hỗ trợ những đối tượng yếu thế, đồng thời thể hiện sự chung tay của xã hội với công tác nhân đạo.
Đặc biệt, 2 năm vừa qua, khi cả nước tập trung phòng, chống dịch COVID-19, các cấp HCTĐ trong tỉnh tiếp tục có nhiều nỗ lực, sáng kiến để giúp đỡ những người khó khăn, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch bằng những hoạt động thiết thực.
Riêng năm 2021, Hội đã vận động các cơ quan, đơn vị để trao hơn 38 nghìn suất quà; gắn mới gần 800 địa chỉ nhân đạo; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 61 nhà nhân đạo, trao 21 con bò từ Dự án "Ngân hàng bò" cho người nghèo; vận động tiếp nhận được gần 22.473 đơn vị máu. Các cấp hội đã phát động, vận động hội viên, tình nguyện viên và người dân được gần 1 tỷ đồng để ủng hộ những người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trợ giúp gần 65 nghìn lượt người nghèo, đối tượng yếu thế với tổng trị giá hoạt động trên 30,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 20.457 hộ nghèo (chiếm 6,1%), 16.126 hộ cận nghèo (chiếm 4,81%), trong đó có nhiều hoàn cảnh éo le rất cần sự chung tay giúp đỡ của xã hội.
Bởi vậy, HCTĐ tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng toàn thể nhân dân trong và ngoài tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với Hội để trợ giúp ngày càng hiệu quả hơn người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, xây dựng cộng đoàn kết, giàu lòng nhân ái, khỏe mạnh.