Không hợp đồng, không bảo hộ, không bảo hiểm xã hội và không được trang bị kiến thức về an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ), nhưng vì cuộc sống, những người lao động (NLĐ) tự do sẵn sàng nhận làm những công việc nặng nhọc trong môi trường không bảo đảm an toàn. Nhiều người trong số họ chỉ sơ xẩy đã tử vong tại chỗ, hoặc phải mang thương tật suốt phần đời còn lại.
Đã sau nửa tháng xảy ra sự cố, nhưng nhiều người có mặt ở hiện trường xảy ra vụ tai nạn lao động chết người đó vẫn chưa hết bàng hoàng, nạn nhân là ông Vũ Văn L., 60 tuổi, ở xóm Duyên, xã Ký Phú (Đại Từ).
Các nhân chứng kể lại: Hôm ấy, tại công trường xây dựng đường 261, đoạn qua thị trấn Quân Chu, ông L. được lãnh đạo đơn vị thi công giao nhiệm vụ móc cáp chuyển các tấm đan trên thùng xe tải xuống đất. Do chưa được huấn luyện về VS-ATLĐ, bản thân không có kinh nghiệm khi làm công việc này, nên chỉ một chút xao nhãng ông L. bị trượt chân ngã từ trên thùng xe xuống. Một tấm đan rơi theo, đè lên người làm ông tử vong tại chỗ.
Ông L. chỉ là một trong nhiều trường hợp NLĐ tự do không may mắn. Không chỉ bản thân người trong cuộc thiệt mạng, mà người thân của nạn nhân còn phải gánh chịu hậu quả suốt đời.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội: Năm 2021, ở khu vực không có quan hệ lao động đã xảy ra 17 vụ tai nạn lao động, làm chết 8 người, 9 người bị thương nặng (tăng 5 vụ so với năm 2020 và giảm 2 người chết so với năm 2020.
Lực lượng lao động tự do chủ yếu là người ở các vùng nông thôn, tranh thủ nông nhàn, hoặc do thiếu ruộng đất sản xuất nên đã tìm đến các công trình xây dựng; cơ sở sản xuất chế biên lâm sản; khai thác gỗ; hoặc tập trung tại khu vực ngã tư Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) để nhận việc khoán.
Ông Trần Văn Hiền, một NLĐ tự do, cho biết: Đã 3 năm nay tôi đứng ở ngã ba Đồng Quang đợi người thuê việc. Ai thuê gì làm nấy, bình quân 1 ngày công được từ 200 đến 300 nghìn đồng. Vì làm theo giờ, hoặc theo công nhật nên tôi cũng như mọi người không được trang bị bảo hộ lao động. Bản thân chúng tôi cũng không quan tâm. Điều chúng tôi cần là có tiền công mang về nuôi vợ con.
Anh Lý Văn Sài (ở xã Động Đạt, Phú Lương) mất khả năng làm công việc nặng nhọc sau khi bị tai nạn lao động đầu năm 2021.
NLĐ sẵn sàng nhận làm những công việc nặng nhọc, chủ yếu bốc vác gạch, xi măng, khoan phá bê tông, dọn phế thải xây dựng hoặc tìm đến các công trình xây dựng làm phụ hồ. Một số người có tay nghề xây dựng, hoặc đã qua đào tạo nghề thường được chủ sử dụng lao động trả công cao hơn. Nhưng khi xảy ra sự cố mất an toàn lao động, họ chỉ biết “bấm bụng” chịu thiệt mà không biết kêu với ai. May mắn thì được chủ sử dụng lao động thỏa thuận, hỗ trợ tiền thuốc men, hoặc tiền chôn cất. Thậm chí, chủ sử dụng lao động ngoảnh mặt làm ngơ, từ chối trách nhiệm.
Ẩn họa mất an toàn lao động có thể chờ trực ở bất cứ chỗ nào. Không chỉ ở các công trường, nhà máy, mà có thể xảy đến với những lao động nông thôn đang làm việc tại gia đình.
Để mất an toàn lao động không còn là nỗi lo, các cấp, ngành liên quan của tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, như: Tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức kiểm định các máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tổ chức tập huấn, huấn luyện về an toàn - vệ sinh lao động; quan trắc môi trường lao động; nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng lao động và người lao động…