Báo chí địa phương trước lộ trình tự chủ

06:14, 19/06/2022

Tự chủ báo chí là mục tiêu mà Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đặt ra trong Chiến lược phát triển báo chí giai đoạn 2021-2025. Theo đó, 100% các cơ quan báo chí tự chủ, Nhà nước đặt hàng thực hiện nhiệm vụ chính trị và thông tin thiết yếu theo quy định. Trong lộ trình này có hệ thống các cơ quan báo chí của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Bộ TT&TT, báo chí hiện tồn tại 3 hình thức: Thứ nhất, được ngân sách Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần; thứ hai, được cơ quan chủ quản bao cấp một phần, tự cân đối thu - chi và cuối cùng là tự chủ hoàn toàn về tài chính. Thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước hiện có khoảng 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Đối với hệ thống báo chí địa phương (gồm báo Đảng, đài PT-TH, tạp chí văn nghệ) thường được ngân sách Nhà nước bao cấp một phần lớn, phần còn lại tự cân đối.

Thời gian qua, cùng với báo giới cả nước, báo chí địa phương đứng trước nhiều sức ép về nguồn thu, hạch toán chi tiêu cho hoạt động của tòa soạn. Các cơ quan báo chí vẫn chủ yếu khai thác nguồn thu theo cách truyền thống, đó là xuất bản ấn phẩm, ký kết hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo hoặc bảo trợ thông tin, tổ chức sự kiện, vận động tài trợ… Tuy nhiên, do địa bàn hoạt động hẹp, sức ảnh hưởng thông tin chưa đủ lớn nên thường lép vế về nguồn thu so với báo chí ở Trung ương. 

Không những vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, sự gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của các “ông lớn” về công nghệ thông tin, truyền thông xuyên quốc gia nên thị phần quảng cáo của báo chí cả nước nói chung, báo chí địa phương nói riêng đã hẹp lại càng hẹp thêm. Bên cạnh đó, quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng là xu hướng chủ đạo khiến nhiều cơ quan báo chí địa phương không theo kịp do thiếu đầu tư đồng bộ.

Trong khi đó, cũng giống các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương, báo chí địa phương phải gánh trên vai sứ mệnh và trọng trách chính trị không hề nhỏ. Không chỉ bảo đảm nhiệm vụ quan trọng là đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đến từng người dân, báo chí địa phương còn là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, là kênh thông tin không thể thiếu góp phần khích lệ, động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết dân tộc, hăng say lao động sản xuất, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước. Không những thế, báo chí địa phương còn góp tiếng nói quan trọng từ cơ sở trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch… 

Theo thống kê, hầu hết các cơ quan báo chí địa phương, nhất là cơ quan báo Đảng, mặc dù phát hành nhiều kỳ báo trong tuần hoặc ra nhật báo nhưng số lượng biên chế được giao còn thấp, có nơi chỉ bằng một nửa so với quy định, do vậy khó có thể đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị buộc cơ quan báo chí địa phương phải “hợp đồng tự nuôi” hoặc bố trí đội ngũ cộng tác viên “đặc biệt” với khoản thù lao chi trả xứng đáng (tất nhiên là từ nguồn sự nghiệp có thu ngoài ngân sách).

Bởi vậy, đứng trước bài toán tự chủ, hầu hết các cơ quan báo chí địa phương đều không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nhiều tổng biên tập báo, giám đốc đài PT-TH địa phương cho rằng, khi tự chủ đồng nghĩa báo chí hoạt động tương đối giống doanh nghiệp, làm thế nào để có kinh phí vận hành bộ máy (như chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm...) là vấn đề rất quan thiết. 

Hơn nữa, vấn đề định hướng nội dung thông tin sẽ như thế nào vì báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, nên không thể đánh đổi doanh thu với nhiệm vụ chính trị và tôn chỉ, mục đích. Vì thế, câu chuyện tự chủ báo chí vẫn là một thách thức lớn đối với báo chí địa phương.

Tuy nhiên, nếu nói vậy, phải chăng vấn đề tự chủ báo chí khó thực hiện mặc dù đây là đòi hỏi cần thiết? Còn nhớ, tại Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói: Muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ TT&TT phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ, ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín, mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động.

Được biết, trước đó, Bộ TT&TT đã ban hành thông tư dành riêng cho lĩnh vực phát thanh, truyền hình liên quan đến xây dựng đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật để tính toán cho phương án Nhà nước “đặt hàng” tuyên truyền, tiến tới tự chủ của loại hình này. 

Tại Thái Nguyên, UBND tỉnh đã có quyết định áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình, có hiệu lực từ tháng 2-2022. Đối với Báo Thái Nguyên và Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, sau khi có Thông tư của Bộ TT&TT về định mức kinh tế kỹ thuật dành cho báo in và báo điện tử cũng đang tiến hành các bước khảo sát, tính toán, trình thẩm định để có thể thực hiện vào năm 2023.

Theo đánh giá của báo giới cả nước, chủ trương tự chủ báo chí trên cơ sở “đặt hàng” được xem là giải pháp khả thi và sát với thực tiễn. Bởi vì ở nước ta không có báo chí tư nhân nên dù thế nào thì những thông tin chính thống, khách quan, trung thực, có tính định hướng vẫn phải đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến vấn đề tài chính. 

Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí đề nghị: Chính phủ, các địa phương và cơ quan chức năng cần có những chính sách cụ thể, minh bạch và đồng bộ trong hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan báo chí. Cơ chế giao nhiệm vụ, “đặt hàng” cần được xác lập công khai, minh bạch đi đôi với việc bố trí kinh phí xứng tầm với nhiệm vụ, xây dựng định mức tài chính cụ thể đối với báo chí. Nhà nước không nên áp dụng chung cơ chế tài chính đối với cơ quan báo chí như là đơn vị sự nghiệp thuần túy; cần có chính sách hỗ trợ về thuế đối với báo chí, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp trong quảng cáo. Báo chí là đơn vị sự nghiệp, nhưng là đơn vị sự nghiệp đặc thù, là một ngành nghề đặc biệt. Sản phẩm báo chí không phải là một thứ hàng hóa bình thường, mà là sản phẩm có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của xã hội. Xét về mặt công nghệ, sản phẩm báo chí là sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao…