Tổ công nhân tự quản TP. Sông Công được thành lập từ tháng 5-2017, trong khu nhà trọ của gia đình bà Đào Thị Nhung, phường Bách Quang. Hiện, khu nhà trọ có 19 phòng, trên 20 công nhân, lao động (đa số là công nhân Chi nhánh Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG và SR Tech, Wiha Việt Nam) và 4 cháu nhỏ (con của người lao động) thuê trọ tại đây.
Chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Sông Công cho biết: Điều trăn trở của chúng tôi là trong giờ làm việc người lao động được Công ty chăm lo, vậy còn ngoài giờ thì sao? Điều kiện sống của họ như thế nào? Hoạt động thể dục, thể thao ra sao? Các tiết chế khu nhà trọ có đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của họ hay không?... Sau cuộc khảo sát ấy, có những vấn đề đặt ra, như: Công nhân, viên chức, lao động (CNVC, LĐ) khi thuê nhà trọ phải trả tiền điện theo mức quy định của nhà trọ là 3.000 đồng/KWh; tiền nước nộp theo quy định chung của các hộ kinh doanh. Chúng tôi đã đề xuất với địa phương và khu nhà trọ, sau đó tiền điện, tiền nước được hạ xuống rất nhiều; mỗi phòng trọ được lắp công tơ riêng. Hai là hướng dẫn cho người lao động nếp sống, môi trường sống...
Dưới sự hướng dẫn của Liên đoàn Lao động TP. Sông Công, sự thống nhất của chủ khu nhà trọ, Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ công nhân đã có quy chế hoạt động và được CNVC, LĐ trong xóm trọ thống nhất thực hiện. Thông qua Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ, LĐLĐ thành phố phối hợp cùng công an, chính quyền địa phương và ngành chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật sâu rộng trong công nhân.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trang bị tủ sách, báo, tivi cho công nhân khu nhà trọ; LĐLĐ TP. Sông Công cũng hỗ trợ tổ chức Tết Trung thu cho các cháu trong xóm trọ; gặp mặt nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, tổ chức tất niên mừng Đảng, mừng Xuân mới...
Các hoạt động này đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, hình thành nếp sống văn minh công nghiệp, đồng thời xây dựng được mối quan hệ gắn bó giữa công nhân với địa phương.
Trước đây, khi chưa có Tổ tự quản, do công nhân làm ở công ty khác nhau nên phòng ai người đó đóng cửa, không có sự giao lưu. Anh Trương Quốc Huy, công nhân Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, ở trọ tại đây từ năm 2012. Khi mô hình Tổ công nhân tự quản được thành lập, anh Huy có 4 năm làm Tổ trưởng, anh nói: Tôi thấy hình thức hoạt động của Tổ rất hiệu quả. Anh chị em dù ở công ty khác nhau nhưng có sự gắn bó, đoàn kết. Mỗi khi có những hoạt động tập thể, việc hô hào mọi người tham gia cũng dễ dàng.
Chị Lại Thị Uyên (sinh năm 1980), công nhân Công ty TNHH ShinwonEbenezer Hà Nội, cho hay: Hai mẹ con tôi ở trọ được 7-8 năm. Ở đây an ninh trật tự bảo đảm nên khi đi làm tôi không phải lo con ở nhà một mình...
Bà Đào Thị Nhung, chủ khu nhà trọ nói: Tổ công nhân tự quản cũng gặp không ít khó khăn bởi không có kinh phí hoạt động (mọi kinh phí tổ chức các hoạt động tập thể đều do công nhân, LĐLĐ thành phố và chủ nhà trọ đóng góp). CNVC, LĐ thường xuyên biến động do thay đổi công việc, chỗ ở; thời gian sinh hoạt và nghỉ ngơi cũng khác nhau.
Mặc dù vậy, sau hơn 5 năm thành lập, hoạt động của Tổ công nhân tự quản đã đi vào nền nếp. Chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động khẳng định: Cái được lớn nhất của Tổ công nhân tự quản là CNVC, LĐ có sự gắn kết, chất lượng môi trường sống được nâng cao, an ninh trật tự được bảo đảm. Cùng với đó, Liên đoàn Lao động và công đoàn cơ sở Cơ quan UBND phường Bách Quang, nơi có Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ, thường xuyên phối hợp tạo mọi điều kiện, hỗ trợ kịp thời để Tổ công nhân tự quản thực hiện tốt nhiệm vụ, tổ chức sinh hoạt và tham gia các phong trào ở khu dân cư…