“Ngày đồng tâm” năm xưa nghĩ về “Ngày vì người nghèo” hôm nay

Sông Hương 09:57, 02/09/2022

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam non trẻ phải đối diện với “giặc đói”, do ngân khố cạn kiệt. Để giải quyết vấn nạn này, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi “nhường cơm sẻ áo” cho người dân nghèo. Lời  hiệu triệu của Người đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Và đến tận ngày nay, câu chuyện “hũ gạo cứu đói” vẫn còn nguyên giá trị.

Các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, hiện vật  giúp  hộ  nghèo tại địa bàn huyện Phú Bình làm nhà ở.
Các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, hiện vật giúp hộ nghèo tại địa bàn huyện Phú Bình làm nhà ở.

Sau khi giành độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, diễn ra ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi một cuộc lạc quyên đóng góp gạo để giúp đỡ người nghèo. Người nói: "Hơn hai triệu đồng bào của chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác của thực dân Pháp. Những người thoát chết nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào để cho họ sống. Tôi đề nghị với Chính phủ mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ gom lại phát cho người nghèo”.

Để cổ vũ tinh thần cứu đói, Người đã viết bài “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên báo Cứu Quốc số 53 (ngày 28/9/1945) với nội dung: “Lúc chúng ta bưng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng..."; "Tôi chắc rằng, đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị …”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu đói thời bấy giờ đã vận động tổ chức lạc quyên, phát động “Ngày đồng tâm” nhịn ăn lập “Hũ gạo cứu đói” và hoạt động này đã nhanh chóng trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn...

Không chỉ riêng câu chuyện cứu đói năm 1945, tinh thần "tương thân, tương ái" đã trở thành nét đẹp truyền thống theo suốt chiều dài lịch sử đất nước. Mỗi khi người nghèo cần sự hỗ trợ, giúp đỡ thì những "mạnh thường quân" lại sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ.

Còn nhớ trong 4 đợt dịch COVID-19 đi qua, người dân, đặc biệt là người nghèo vùng tâm dịch phải đối mặt với cuộc sống thiếu thốn trăm bề, thì những "tấm lòng vàng" lại sẵn sàng san sẻ. “Suất ăn 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Cây ATM gạo”… được mở khắp mọi nơi để giúp đỡ người nghèo.

Ở Thái Nguyên, phong trào quyên góp, hỗ trợ người nghèo trong các đợt dịch cũng được nhân dân hưởng ứng tích cực. Hình ảnh hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Cúc, xóm Hưng Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), đã ngoài 90 tuổi  vẫn chống gậy đến trụ sở UBND xã để ủng hộ kinh phí; hay cụ Vũ Văn Sáu, 92 tuổi, ở  xóm Văn Trường, xã Sơn Phú (Định Hóa) dùng toàn bộ số tiền tích cóp nhiều năm để ủng hộ vào Quỹ phòng, chống COVID-19 đã khiến nhiều người cảm động...

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh Thái Nguyên luôn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, không để người nghèo quá khó khăn. Đặc biệt, thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”(17-0); “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” hằng năm, Thái Nguyên đều kêu gọi ủng hộ, quyên góp đạt kết quả cao.

Theo đó, chỉ tính riêng đợt phát động “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2022”, toàn tỉnh đã vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ được trên 40,9 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các ngành, địa phương đã thực hiện hỗ trợ trao tặng 39.768 suất quà, trị giá 21,575 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 260 nhà Đại đoàn kết, trị giá 13,12 tỷ đồng cho hộ nghèo; tặng 232 xe đạp cho học sinh nghèo, trị giá 363 triệu đồng; trao 21 sổ tiết kiệm, trị giá 420 triệu đồng; tặng 5 ti vi và trao quà bằng hiện vật, nhu yếu phẩm, lương thực, hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo trị giá 5,4 tỷ đồng...

Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định: “Tương thân, tương ái”, “nhường cơm, sẻ áo” là truyền thống quý báu, nghĩa cử cao đẹp của dân tộc ta từ nhiều đời nay. Mỗi khi MTTQ phát động quyên góp thì tinh thần này lại được khơi dậy mạnh mẽ. Và, sự đồng tâm, hiệp lực của cả cộng đồng là sức mạnh vô biên chiến thắng kẻ thù nghèo đói năm xưa và cả ngày hôm nay.