Tấm thẻ đa năng

Ngọc Chuẩn 15:09, 15/09/2022

Bởi có dung lượng lưu trữ lớn, khả năng tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm (như chữ ký số, sinh trắc học…), thông tin chủ thẻ được định danh chính xác, an toàn, bảo mật cao, nên thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử được coi là tấm thẻ đa năng, hoặc túi ví điện tử.

Công an tỉnh Thái Nguyên làm thẻ căn cước công dân cho người dân tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công của tỉnh.
Công an tỉnh Thái Nguyên làm thẻ căn cước công dân cho người dân tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công của tỉnh.

Từ năm 2021, cùng với cả nước, Thái Nguyên triển khai cấp thẻ CCCD cho nhân dân. Để nhanh chóng hoàn thành việc cấp CCCD, lực lượng công an và chính quyền địa phương đã làm việc xuyên ngày đêm, bảo đảm nhanh nhất, an toàn nhất trong công việc chuyển đổi giấy chứng minh nhân dân sang CCCD. 

Tuy nhiên, nhiều công dân vẫn coi đó như một sự chuyển đổi giấy tờ bình thường, thậm chí chưa biết đến thẻ CCCD mới với 12 số mang lại nhiều tiện ích hơn so với giấy chứng minh nhân dân 9 số. Chính vì thế mà hiện vẫn còn không ít người chưa đến cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển đổi giấy chứng minh nhân dân sang thẻ CCCD. Và hiện 2 loại giấy tờ tùy thân này vẫn được Nhà nước công nhận bảo đảm tính chất pháp lý như nhau. 

Về các tiện ích ứng dụng của thẻ CCCD, thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành phố lớn (như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) đã triển khai thực hiện một số ứng dụng sử dụng thẻ CCCD được tích hợp những tiện ích như: Thông tin thẻ xanh COVID-19, thông tin tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về người được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động… 

Gần đây nhất, ngày 28/2/2022, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Theo đó, các trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT, trên cơ sở đó cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, thông tin cho người bệnh biết để đi khám, chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD, hoặc bằng ứng dụng VNEID. Còn với trường hợp người bệnh chưa được cấp CCCD, cơ sở y tế thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành, như đề nghị bệnh nhân xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.

Ngày 28/2/2022, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Ngày 28/2/2022, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Rất nhiều công dân Thái Nguyên đã chia sẻ: Từ nay, việc đi khám, chữa bệnh BHYT giảm bớt nhiều thủ tục giấy tờ và thời gian không cần thiết. Để trải nghiệm tiện ích này, chúng tôi đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào buổi sáng một ngày cuối tháng 8 vừa qua, với lý do quên thẻ BHYT để đề nghị được khám, chữa bệnh bằng CCCD. Khi đó, một nữ nhân viên y tế ở đây đã giải thích với tôi nhẹ nhàng: Bệnh viện chưa thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD. Trong trường hợp ông không cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh thì vẫn phải sử dụng thẻ BHYT truyền thống, chứ chưa thể làm khác được.

Nghĩa rằng việc sử dụng nhiều ứng dụng, tiện ích trên thẻ CCCD vẫn đang ở tương lai gần. Và dù chưa triển khai rộng rãi, nhưng không chỉ người dân Thái Nguyên mà công dân trên cả nước đang chờ đợi, hy vọng các ứng dụng trên tấm thẻ này sớm đi vào thực tế cuộc sống. 

Bà Trần Thị Hòa, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Hiện nay, khi đi khám, chữa bệnh BHYT, tôi vẫn phải mang theo thẻ BHYT cùng với CCCD.  Có mặt tại đó, anh Hoàng Văn Hồng, ở phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) góp vui: Tôi lái xe tắc xi, được các anh cảnh sát giao thông giải thích: CCCD có tích hợp giấy phép lái xe, song chỉ giúp giảm thủ tục hành chính như cấp đổi, cấp mới, cấp lại. CCCD không thể thay thế chức năng của giấy phép lái xe thông thường.

Hiện nay, công dân đi khám, chữa bệnh BHYT vẫn cần mang theo thẻ BHYT bằng giấy. Và với các lái xe vẫn cần mang theo bên mình giấy phép lái xe. Một cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Thẻ CCCD 12 số được coi là mã định danh cá nhân, “nó” gắn bó với thân chủ suốt cuộc đời mỗi người. Họ và tên người có thể trùng hợp, nhưng số thẻ trên CCCD không thể trùng lặp với bất cứ thẻ nào khác. Nói dễ hiểu hơn: Thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng và được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thay vì việc phải làm và mang theo rất nhiều loại giấy tờ khác nhau thì người dân có thể sử dụng thẻ CCCD để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau...

Nói theo ngôn ngữ sành điệu của giới trẻ mê công nghệ hiện nay: Thẻ CCCD là chiếc túi ví điện tử, hoặc tấm thẻ đa năng của công dân số. “Nó” mang đến rất nhiều tiện ích cho công dân và cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần tích cực vào việc đổi mới cách thức quản lý hiện đại, phù hợp với yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh và xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.