Thời gian qua, việc sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trong hoạt động thương mại và một số dịch vụ đã cho thấy những lợi ích to lớn. Trong lĩnh vực an sinh, Đại Từ là một trong 3 địa phương của tỉnh thực hiện thí điểm chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Mô hình này bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Chị Ngô Thị Thêu, công chức Văn hóa - Xã hội xã Tiên Hội (Đại Từ), cho biết: Ban đầu, việc triển khai khá khó khăn. Bởi dân trí không đồng đều giữa các khu vực, một số người dân chưa có, hoặc chưa sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, trong đó có người khuyết tật phải nhờ đến sự trợ giúp của người thân… Tuy nhiên, với phương châm “mắc đâu, gỡ đó”, chúng tôi đã dành thời gian để tuyên truyền, vận động cũng như hướng dẫn trực tiếp cho người dân.
Từ cuối tháng 9/2022, mô hình chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt được triển khai thí điểm tại xã Tiên Hội. Đến nay, khoảng 80% người dân trong xã đã cài đặt và thích ứng với phương thức thanh toán này. Tính đến hết tháng 10/2022, 217 đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn xã đã hoàn thành đăng ký chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, đạt 100%.
Có bố là người khuyết tật đặc biệt nặng từ nhiều năm, hằng tháng, anh Lê Văn Đại, ở xóm Phố Dầu lại đến trụ sở UBND xã Tiên Hội để nhận tiền chi trả trợ cấp và kinh phí cho người chăm sóc. Trước đây, việc chi trả thường cố định vào một ngày cố định, trong khi anh Đại thường phải di chuyển ra tỉnh ngoài, khá là bất tiện. Do vậy, khi địa phương triển khai chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt, anh Đại cảm thấy rất thuận tiện.
Anh Đại chia sẻ: Tôi thấy việc chi trả bằng hình thức này rất thuận lợi cho người nhận, tiết kiệm thời gian đi lại và chúng tôi cũng không cần xếp hàng, chờ đợi như trước. Sau khi tiền vào tài khoản, tôi có thể đi rút tiền mặt bất cứ lúc nào hoặc thanh toán trực tiếp khi mua hàng.
Tương tự, tại xã Yên Lãng, việc tạo tài khoản số cho các đối tượng bảo trợ xã hội cũng được triển khai tích cực. Đến nay, toàn xã có 384 đối tượng bảo trợ xã hội (đạt 100%) có tài khoản số. Ngoài ra, xã cũng triển khai đăng ký cho 60 đối tượng là người có công, gần 70 hộ nghèo, cận nghèo sử dụng hình thức chi trả bảo trợ xã hội không dùng tiền mặt.
Chị Bế Thị Ninh, công chức Văn hóa - Xã hội xã Yên Lãng, cho hay: Để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, chúng tôi đã gửi công văn thông báo đến các xóm, phát thanh trên các cụm loa về mục đích, ý nghĩa, những thuận lợi khi nhận trợ cấp xã hội qua tài khoản để đông đảo nhân dân nắm được. Không chỉ người dân cảm thấy thuận tiện mà hình thức này giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực chi trả, chi phí giấy tờ, tài liệu… cho đội ngũ cán bộ xã.
Bắt đầu triển khai từ cuối tháng 9/2022, đến nay, toàn huyện Đại Từ đã tạo được trên 8.500 tài khoản an sinh xã hội, trên tổng số gần 20.600 tài khoản (cho đối tượng trợ giúp xã hội, hộ nghèo, cận nghèo và người có công), đạt tỷ lệ trên 40%.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ, thông tin: Để đạt kế hoạch đề ra, chúng tôi đã đề nghị UBND xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị để tạo tài khoản an sinh xã hội, như: VNPT, Viettel, Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội và các chi nhánh ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn. Người dân có thể tùy ý lựa chọn các đơn vị để lập tài khoản, miễn là đảm bảo cho việc rút tiền và thanh toán thuận lợi cho bản thân.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo cán bộ hướng dẫn người dân khi có yêu cầu, tổ chức các buổi tập huấn để người dân làm quen với việc nhận chi trả và mua bán không dùng tiền mặt. Từ nay đến cuối năm, huyện phấn đấu hoàn thành 100% việc tạo tài khoản cho các đối tượng trợ giúp xã hội, tiếp đến là các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người có công.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin