Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới, nhất là trong các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục..., được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Mặc dù vậy, hiện nay, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái vẫn diễn ra nghiêm trọng, được xem là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam; gây tác động đáng kể đối với sức khỏe, tinh thần của người phụ nữ, ảnh hưởng tới năng suất lao động và việc giáo dục, chăm lo con cái. Trong khi đó, phụ nữ thường giấu kín, e ngại khi đề cập, chia sẻ hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ, bởi một phần do lo sợ hậu quả đối với chính bản thân và con cái của họ.
Thời gian qua, việc “lên tiếng” và giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng được các địa phương coi trọng. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, với việc đa dạng các hoạt động, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nhất là các mô hình tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực; phối hợp các ngành thành lập các đội phản ứng nhanh, can thiệp nhanh tại cơ sở, ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực xảy ra trên địa bàn; chủ động tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ…
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc phát hiện các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực và lên tiếng, hỗ trợ, tham gia giải quyết ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khu vực vùng sâu, vùng xa, một phần do năng lực, kiến thức về quy định của pháp luật liên quan đến tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều vấn đề xã hội đặt ra ảnh hưởng đến không gian sống an toàn của phụ nữ và trẻ em như: Bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em, đại dịch COVID-19…
Việc hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, một lần nữa cho thấy Việt Nam vẫn đang tích cực triển khai những ưu tiên và cam kết về thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, góp phần giúp phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, trong bối cảnh Việt Nam đang phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Song, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, các bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, thực thi pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.
Đặc biệt, thế hệ trẻ ngày nay cần được giáo dục để có sự hiểu biết về giới, bình đẳng giới cũng như các kỹ năng phòng, chống bạo lực từ sớm. Hoạt động này có bền vững hay không phụ thuộc vào việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của thế hệ thanh niên. Để làm được như vậy, từng cá nhân, nhất là những người trẻ cần được học cách giải quyết những vấn đề khó khăn gặp phải trong mối quan hệ và cách xử lý những mâu thuẫn mà không sử dụng bạo lực.
Và trên hết, mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng, bao gồm cả những phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bằng những hành động thiết thực hãy cùng lên tiếng mạnh mẽ hơn, hành động quyết liệt hơn để đẩy lùi bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới để mang lại một cuộc sống mà ở đó mọi người được tôn trọng, yêu thương và bình đẳng với nhau.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin