Thực tế cuộc sống đã chứng minh, tảo hôn không chỉ thể hiện sự lạc hậu mà còn cản trở phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để Thái Nguyên không còn vấn nạn tảo hôn lại là vấn đề không hề dễ dàng. Nhất là khi ở nhiều nơi, hủ tục này đã truyền từ đời ông bà, bố mẹ sang đời con, cháu...
Cán bộ y tế xã Thần Sa (Võ Nhai) tuyên truyền về những hệ lụy của vấn nạn tảo hôn cho người dân. |
Từ nghị quyết đến đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống
Nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng đã được đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết cũng khẳng định quan điểm nhất quán: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác dân số được xác định là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu: Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển; nâng cao chất lượng dân số, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đó, chất lượng dân số là vấn đề được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, hướng tới xây dựng con người mới có tầm vóc, tri thức, để đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước càng thêm giàu đẹp, Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần.
Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thần Sa (Võ Nhai) Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với các hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi các chủ thể duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Toà án. Tôi cho rằng Nhà nước cần tăng mức xử phạt lên cao gấp nhiều lần để chế tài thật sự có sức nặng, góp phần ngăn chặn vấn nạn tảo hôn. |
Dựa trên các quan điểm của Đảng, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, vấn nạn tảo hôn chính là một “rào cản” rất lớn ảnh hưởng đến tầm vóc, sức khỏe của trẻ vị thành niên và thế hệ tương lai, cũng như ảnh hưởng tới nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho rằng: Tảo hôn ảnh hưởng đến quyền bình đẳng giới, khiến đất nước phải tốn nhiều chi phí liên quan đến tỷ lệ sinh cao và tăng trưởng dân số, y tế, giảm thu nhập và năng suất lao động. Ngăn chặn vấn nạn tảo hôn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên nói riêng và đất nước nói chung.
Bởi vậy, từ quan điểm nhất quán của Đảng cũng như thực trang tảo hôn ở Thái Nguyên thời gian qua, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng trong tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu, ngăn chặn vấn nạn tảo hôn xảy ra trên địa bàn.
Rất cần chế tài đủ mạnh
Không thể phủ nhận, so với hơn 10 năm trước, vấn nạn tảo hôn ở Thái Nguyên đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.
Như chúng ta đã phân tích ở trên thì tảo hôn là vấn đề xã hội phức tạp và là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, việc ngăn chặn nạn tảo hôn không thể thực hiện trong "một sớm, một chiều" mà cần có thời gian. Tại nhiều địa phương thường xuyên có các trường hợp tảo hôn, công tác quản lý vẫn đang gặp vô vàn những trở ngại.
Khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy nhiều trường hợp làm đám cưới “chui” hoặc tự về ở cùng nhau để “che mắt” chính quyền địa phương. Trường hợp của cặp đôi H.V.D (17 tuổi) và vợ là L.T.N (14) tuổi ở khu Đồng Ươm, xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai) là một minh chứng rất rõ nét. Nhiều trường hợp là “đằng” gái, nhà trai ở tận Tuyên Quang, Cao Bằng… đón đi nên không còn “dấu vết”. Như trong năm 2022, tại bản người Mông Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai) có hai em là L.T.H và H.T.D (đều sinh năm 2005) nằm trong trường hợp nêu trên.
Do đó, theo ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến: Tăng cường công tác tuyên truyền vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn vấn nạn tảo hôn. Tuy nhiên, công tác truyền thông về pháp luật dân số, hôn nhân gia đình đòi hỏi phải có các hình thức đa dạng, linh hoạt, giúp người dân dễ tiếp cận. Cán bộ làm công tác tuyên truyền cũng phải có năng lực, trình độ, có phương pháp tiếp cận địa bàn hiệu quả. Cụ thể đối với Dân Tiến, địa bàn có hơn 140 hộ người dân tộc Mông sinh sống, chúng tôi đã tạo điều kiện cho một số cán bộ của xã đi học tiếng Mông để việc tuyên truyền về pháp luật dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình cho đồng bào thuận lợi, hiệu quả hơn.
Ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) Đầu những năm 2000, tảo hôn xảy ra khá phổ biến ở các bản người Dao của xã Hợp Tiến. Để giảm thiểu vấn nạn tảo hôn, chính quyền địa phương đã nhận được sự chung tay rất lớn trong công tác tuyên truyền của các cụ cao niên, người uy tín tại các địa bàn có đông đồng bào Dao sinh sống. Nhờ đó, nhiều trường hợp tảo hôn có ý định tổ chức đám cưới, đám hỏi đều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Đơn cử, trong năm 2022, nhận được tin báo một trường hợp sinh năm 2005 ở xóm Mỏ Sắt chuẩn bị tổ chức lễ cưới, chính quyền địa phương đã tiến hành ngăn chặn kịp thời. |
Quá trình tiếp cận sơ sở, chúng tôi cũng nhận thấy việc nắm bắt thông tin về các trường hợp tảo hôn giữa chính quyền địa phương và lực lượng y tế chưa thống nhất, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý. Đơn cử tại xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), thông tin về các trường hợp tảo hôn có sự khác nhau.
Bởi vậy, thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt trong việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn của các cấp chính quyền địa phương, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và ngành Y tế để việc tuyên truyền, ngăn chặn vấn nạn tảo hôn đạt hiệu quả cao hơn.
Thực tế đã chứng minh, những địa bàn còn nhiều khó khăn của tỉnh xuất hiện các trường hợp tảo hôn nhiều hơn. Vì vậy, việc thực thi tốt các chế độ, chính sách giảm nghèo, giáo dục nâng cao dân trí ở các vùng khó khăn cũng là một lời giải quan trọng cho bài toán làm thế nào để giảm thiểu vấn nạn tảo hôn.
Khi cái nghèo được đẩy lùi, gánh nặng kinh tế giảm bớt, mức sống của người dân, nhất là các hộ đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, xa của tỉnh ngày càng nâng cao, trẻ em được bố mẹ tạo điều kiện cho đi học, từ đó mang tri thức về bản làng "khai sáng" các thế hệ về tầm quan trọng của pháp luật dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình...
Bác sĩ Trịnh Phạm Thanh Tùng, Bệnh viện A Thái Nguyên, cho hay: Bệnh viện đã tiếp nhận không ít sản phụ sinh con khi mới 15, 16, 17 tuổi. Khi cha mẹ bỏ bê, buông lỏng quản lý có thể dẫn đến việc con cái sa vào lối sống hư hỏng, ảnh hưởng đến nhận thức và tư duy của bản thân. Đặc biệt, việc thiếu giáo dục giới tính, kỹ năng sống của một bộ phận cha mẹ cũng khiến con cái thiếu kiến thức phòng vệ bản thân, quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn… và dẫn đến tảo hôn. Bởi vậy, để tránh tảo hôn, các bậc phụ huynh, gia đình nhất định phải dành sự quan tâm giáo dục con cái.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân bằng các hoạt động thiết thực; giáo dục giới tính cho con trẻ; có sự phối hợp trong quản lý, giáo dục trẻ em giữa nhà trường và gia đình thì để giảm thiểu vấn nạn tảo hôn rất cần những chế tài mạnh tay. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các cấp, ngành chức năng nên quan tâm đến việc gia tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn. Và chế tài đủ mạnh chính là sức nặng ngăn chặn vấn nạn tảo hôn tái diễn...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin