Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực 

Ngọc Chuẩn 15:37, 24/06/2023

Khúc dạo đầu là khẩu chiến, chung cuộc nói chuyện bằng nắm đấm, kết cuộc là mặt mày thâm tím và tàn cuộc là "đường ai nấy đi". Giá mà “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” thì bạo lực gia đình (BLGĐ) không tồn tại trong xã hội.

Các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Thắng, tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) luôn giành thời gian ở bên nhau mỗi ngày.
Các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Thắng, ở tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) luôn dành thời gian bên nhau mỗi ngày.

Thực tế, có không ít gia đình thường xuyên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Chính quyền địa phương mặc dù cũng nắm được tình hình, nhưng muốn can thiệp rất khó, vì đó là câu chuyện riêng tư đằng sau những cánh cửa. Cách tốt nhất đang được thực hiện là thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các gia đình.

Hiện nay, những vụ BLGĐ đa phần được chính quyền địa phương thống kê và can thiệp khi nhận được tin báo rõ ràng và hành động bạo lực đã gây ra hậu quả hoặc hậu quả nghiêm trọng.

Điển hình như vụ việc anh trai chém tử vong em gái ở phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) hồi tháng 9/2019, nguyên nhân do nợ nần tiền bạc liên quan đến hai bên. Vụ con rể dùng dao đâm bố mẹ vợ xảy ra tháng 11/2019 tại xã Thành Công (TP. Phổ Yên) do vợ chồng mâu thuẫn. Hay đã sau nhiều năm, nhưng nhiều người còn nhớ đến vụ việc xảy ra tại phường Phố Cò (TP. Sông Công), anh rể sau khi bóp cổ em vợ mang ném xuống giếng, rồi quay lại dùng dao chém vào đầu vợ và con gái nhiều nhát... 

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều vụ việc liên quan đến tình trạng BLGĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong những năm gần đây. Theo số liệu tổng hợp tại các địa phương: Chỉ trong thời gian 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 130 vụ BLGĐ dưới các hình thức về tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế.

Để răn đe, giáo dục, các địa phương đã phê bình, góp ý đối với 55 trường hợp; xử phạt hành chính 65 trường hợp; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với 5 trường hợp; giáo dục tại chỗ 7 trường hợp; xử phạt hình sự 2 trường hợp. Các cơ quan chức năng cũng đã tư vấn về tâm lý, tinh thần, pháp luật cho 90 nạn nhân; 33 nạn nhân được chăm sóc, hỗ trợ sau khi bị bạo lực.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, cho biết: Nguyên nhân của BLGĐ chủ yếu do người gây ra bạo lực và người bị bạo lực thiếu kỹ năng ứng xử trong một số tình huống. Có thể kể đến như việc đối xử chưa công bằng giữa hai bên gia đình nội, ngoại; việc ứng xử giữa vợ và chồng; giữa cha mẹ với con cái chưa đúng mực, dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Trong khi đó, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc BLGĐ còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nạn nhân của BLGĐ, đa số là phụ nữ và trẻ em, lại bao che cho hành động sai trái của người gây bạo lực, bởi tâm lý e ngại, lo sợ và lối tư duy nhẫn nhục, chịu đựng mà bỏ qua để tiếp tục duy trì cuộc sống gia đình.

Thực tế trong những năm qua, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, nỗ lực phòng, chống BLGĐ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; hỗ trợ các mô hình câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có nhiều hoạt động thiết thực, như ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện nội dung công tác gia đình; phòng, chống BLGĐ. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh quan tâm, chú trọng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động thuộc lĩnh vực gia đình, phòng, chống BLGĐ gắn với thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Các địa phương cũng chủ động phối hợp tổ chức một số hội thảo, hội thi với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, như: “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”; thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống BLGĐ..., thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.

Liên quan tới công tác phòng, chống BLGĐ, tại các khu dân cư đã thành lập được hàng trăm câu lạc bộ, thu hút hàng nghìn hội viên tham gia, như Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, Câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật...

Bà Đặng Thị Hoa, nhân viên y tế thôn bản xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương), tâm đắc: Từ việc các cấp, ngành làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, bà con dân tộc thiểu số trong xóm hiểu đầy đủ hơn về những hành vi được coi là BLGĐ, từ đó biết kiềm chế sự ích kỷ cá nhân, biết tôn trọng người thân trong gia đình.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đều đã thiết lập "đường dây nóng" tiếp nhận thông tin về BLGĐ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn xây dựng địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ; có hàng nghìn câu lạc bộ liên quan đến công tác phòng, chống BLGĐ, 1.555 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 908 nhóm phòng, chống BLGĐ được thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã thành lập Phòng Tham vấn hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.

Một thông tin vui là những năm gần đây, tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm rõ rệt. Nếu như năm 2020 xảy ra 51 vụ, thì năm 2021 xảy ra 46 vụ, năm 2022 xảy ra  33 vụ. Chúng ta hãy cùng vun đắp và hy vọng mỗi gia đình thật sự là một tổ ấm, là chốn bình yên, chan chứa tình yêu thương...