Mỗi năm, vào mùa mưa bão, người dân sinh sống ở vùng bán ngập hồ Núi Cốc lại thấp thỏm lo nước hồ dâng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, những hộ có đất ở nằm dưới cao trình 48,25m đã và đang bị hạn chế rất nhiều quyền lợi trong sử dụng…
Có thời điểm nước dâng lên gần ngập tường rào của nhà ông Trần Văn Lý, ở xóm Tiến Thành, xã Bình Thuận (Đại Từ). |
Hồ Núi Cốc là công trình thuỷ lợi lớn nhất tỉnh, được xây dựng từ những năm 1970 với diện tích 25km2. Sau khi được xây dựng, những hộ có nhà ở, đất canh tác dưới cốt 46,25m được bồi thường, hỗ trợ di dời nhà cửa và đất canh tác.
Vào thời điểm mưa lũ, nước hồ Núi Cốc thường dâng cao, để đảm bảo an toàn hồ đập và điều tiết nước đối với vùng hạ lưu, đơn vị quản lý công trình (Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) thường để mực nước ở cao trình trên 46,25m. Tuy nhiên, cũng có thời điểm mực nước hồ dâng đến cốt 48,25m khiến không ít hộ dân bị ngập nhà và hoa màu.
Ông Trần Văn Lý, nhà ở xóm Tiến Thành, xã Bình Thuận, Đại Từ, cho biết: Gia đình tôi ở gần lòng hồ Núi Cốc nên hầu như năm nào cũng bị nước dâng vào nhà. Gần đây nhất, tháng 5-2022, giữa lúc lúa của bà con đang đơm bông thì có mưa to, nước hồ Núi Cốc dâng gần đến cao trình 48,25m, khiến lúa và hoa màu của rất nhiều hộ bị ngập và mất trắng. Trong khi đó, những diện tích đất nông nghiệp, đất ở của người dân từ cốt 46,25m-48,25m chưa được đền bù, hỗ trợ.
Còn anh Trần Văn Tưởng, có nhà ở gần đó, chia sẻ: Đất ở, đất canh tác của bà con từ cốt 46,25m-48,25m được khai phá từ lâu, một số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong khi đó, đất ở nằm dưới cao trình 48,25m đều bị hạn chế quyền sử dụng rất nhiều. Cụ thể: Đất của gia đình tôi được cha mẹ để lại, năm 1993 được cấp GCNQSDĐ. Đến năm 2003, khi tôi lấy vợ, ra ở riêng, bố mẹ chia cắt đất làm nhà, nhưng không làm được GCNQSDĐ, với lý do nằm dưới cao trình 48,25m.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh, ở xóm 7, xã Vạn Thọ, Đại Từ, nói: Năm nào mực nước hồ Núi Cốc cũng dâng lên cốt 48,25 từ 1-2 lần, mỗi lần từ 4-7 ngày. Hàng chục gia đình thuộc các xóm 7, 8, 9 của xã Vạn Thọ ngập nước phải di chuyển đến ở trong các lều bạt dựng tạm, nhiều tài sản thiệt hại đều không nhận được hỗ trợ. Nhà nước có làm khu tái định cư cho một số hộ dân vùng bán ngập xã Vạn Thọ, trong đó có gia đình tôi, nhưng do khu vực này có nguy cơ sạt lở rất cao nên không ai nhận đất. Gia đình phải đổ đất, tôn nền và xây dựng nhà mới tại khu vực dưới cao trình 48,25m thì cán bộ của đơn vị quản lý hồ xuống lập biên bản…
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Thọ, cho biết: Bà con ở các xóm 7, 8, 9 sinh sống trước khi hồ Núi Cốc được xây dựng, trong đó có nhiều gia đình được cấp GCNQSDĐ. Ngoài việc chưa được hỗ trợ, bồi thường đối với phần diện tích đất từ cốt 46,25m-48,25m, thì bà con không được xây dựng nhà ở, cải tạo công trình, không được chuyển đổi mục đích sử dụng, chia tách đất. Trong khi đó, tới đây, Nhà nước sẽ tiếp tục nâng hành lang bảo vệ công trình hồ lên cốt 50m và dự kiến có khoảng 50% tổng số hộ dân trong xã bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của UBND huyện Đại Từ, hiện nay có 406 hộ dân thuộc các xã gồm: Vạn Thọ, Lục Ba, Bình Thuận, Tân Thái sinh sống ở vùng bán ngập hồ Núi Cốc (từ cao trình 48,25m trở xuống). Trong đó có 256 hộ đã được cấp GCNQSDĐ; 318 hộ đã làm nhà ở dưới cốt 48,25m trước thời điểm UBND tỉnh ban hành Quyết định 2280/QĐ-UBND ngày 9/9/1997 về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó có điều khoản cấm thay đổi hiện trạng lòng hồ Núi Cốc từ cốt 48,25 trở xuống.
Hiện nay, những khó khăn của người dân sinh sống từ cao trình 48,25m trở xuống vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong khi đó, thời gian tới, đơn vị quản lý hồ Núi Cốc sẽ cắm mốc giới ở cao trình 50m thì số hộ dân bị ảnh hưởng sẽ tăng. Thực tế này rất cần các cơ quan chức năng của tỉnh có biện pháp hỗ trợ, giải quyết để ổn định cuộc sống của các hộ dân nơi đây.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin