Đang xem trận bóng đá hay thì nhà anh T. (phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) bỗng dưng bị mất điện. Anh T. chưa hiểu nguyên nhân vì sao thì nghe thấy ngoài ngõ có tiếng tri hô “cháy dây điện”. Anh T. vội vàng chạy ra thì đã thấy người dân đang dùng bình chữa cháy để dập lửa. Rất may, vụ cháy được phát hiện và dập tắt kịp thời nên chỉ ảnh hưởng tới hộ anh T. và hộ anh H.
Sau sự cố chập cháy dẫn đến mất điện, anh T. phải tự đấu nối dây điện vì sự cố xảy ra sau công tơ, không thuộc quản lý, sửa chữa của ngành Điện. |
Sau đó, anh T. gọi điện theo số máy đường dây nóng của đơn vị Điện lực để mong có sự hỗ trợ, xử lý, khắc phục sự cố. Nhân viên điện lực có đến kiểm tra hộp công tơ và hứa sẽ đến sửa chữa sau.
Hôm sau, khi anh T. và anh H. đi làm thì nhân viên điện lực gọi điện đến, nói là việc cháy dây điện sau công tơ không do đơn vị quản lý, sửa chữa, gia đình phải tự khắc phục hoặc gọi thợ điện dịch vụ đến xử lý.
Anh H. liền đề nghị nhân viên trực tiếp sửa chữa giúp, tiền công và vật tư sẽ thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, nhân viên lấy lý do đường điện sau công tơ không thuộc Ngành quản lý, sửa chữa và đang bận nhiều việc khác nên từ chối sửa chữa điện cho 2 gia đình anh T. và anh H.
Cuối cùng, anh T. và anh H. đành phải xin nghỉ việc ở cơ quan về nhà tìm cách khắc phục. Rất may, anh T. có chút hiểu biết về điện lại được anh H. hỗ trợ nên đã sửa xong, nhưng mất rất nhiều thời gian, công sức vì không có chuyên môn sâu, phải vừa làm vừa mày mò.
Qua sự việc trên, nhiều người trong khu phố thắc mắc tại sao ngành Điện lại để cho người dân tự sửa chữa, khắc phục sự cố chập cháy điện sau công tơ? Nếu đây là quy định của ngành Điện thì liệu có hợp lý? Vì việc để người dân tự sữa chữa, khắc phục sự cố điện hoặc đấu nối sau công tơ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Từ sự việc trên, chúng tôi nhận thấy rằng, hiện nay, hệ thống đường điện dân dụng đấu nối sau công tơ tồn tại muôn hình vạn trạng, gần như nhà nào chỉ biết nhà nấy, dây có thể chằng mắc vào bất cứ vật gì có thể, không theo một quy tắc nào.
Bên cạnh đó là rất nhiều loại dây dẫn khác như dây mạng Internet, dây cáp truyền hình cũng được chằng buộc cùng dây điện tạo thành một mớ bòng bong, chằng chịt; nhiều đường dây cũ không còn được sử dụng nhưng không có ai tháo gỡ.
Ngược lại, những sợi dây mới cứ tăng dần lên theo thời gian, khiến nguy cơ mất an toàn, chập cháy ngày một tăng. Thực tế, trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã có rất nhiều vụ chập cháy đường dây, cháy cột điện, hộp công tơ xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong khu vực đó.
Được biết, ngành Điện đã có nhiều nỗ lực trong việc hạ ngầm đường dây, tiến hành bó gọn hệ thống dây dẫn nhưng chủ yếu chỉ được thực hiện ở một số trục đường chính trên địa bàn thành phố. Còn hệ thống đường dây ở các ngõ ngách, khu dân cư dường như bị bỏ ngỏ.
Trước thực trạng đó, người dân mong ngành Điện lực và các nhà mạng có sự phối hợp trong việc kéo đường dây một cách khoa học, đảm bảo an toàn, hạn chế chập cháy cũng như mỹ quan đô thị. Riêng đối với việc sửa chữa, khắc phục sự cố đường điện sau công tơ, ngành Điện lực cũng nên linh hoạt, có giải pháp hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin