Tỉnh Thái Nguyên đang lên kế hoạch chuẩn bị mở các lớp thí điểm dạy ngoại ngữ cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn. Đây không chỉ là cú huých quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập, mà còn trang bị kỹ năng giao tiếp cơ bản để người lao động có thể tự tin khi làm việc, phối hợp quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất tại các dự án trong KCN, nhất là những dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa. |
Thái Nguyên hiện có trên 10 KCN tập trung và hàng chục cụm công nghiệp lớn, nhỏ. Riêng các KCN đã và đang thu hút khoảng 90-120 nghìn lao động. Lực lượng lao động được phân công làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó có những bộ phận đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, giao tiếp đạt yêu cầu.
Mặt khác, có hàng trăm nhà đầu tư đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ đặt địa điểm sản xuất tại Thái Nguyên, với các dự án lớn như: Tổ hợp Samsung Thái Nguyên, MDF Dongwha Việt Nam, Hansol Việt Nam, Alutec Vina, ALK Vina, Mani Hà Nội... Đáng chú ý là một số dự án lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...
Thực tế cho thấy, hoạt động phối hợp trong quản lý, vận hành tổ chức sản xuất ở các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lao động nội địa còn có một số rào cản nhất định về ngôn ngữ, giao tiếp, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Nắm bắt yêu cầu, đòi hỏi đó, tỉnh Thái Nguyên đã đặt mục tiêu và giao nhiệm vụ cho các ngành chuyên môn tổ chức thí điểm thành công 3 lớp học ngoại ngữ (tiếng Hàn Quốc và tiếng Trung Quốc) cho khoảng 90 lao động đang làm việc tại các KCN trong năm 2023.
Tỉnh sẽ cấp kinh phí cho các hoạt động phục vụ và tổ chức lớp học. Mục tiêu đặt ra là 100% người lao động tham gia lớp học đảm bảo hoàn thành chương trình đào tạo; phấn đấu có khoảng 30% đạt trình độ ngoại ngữ A1 (tương đương bậc 1, Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam); sẽ tổ chức thi và cấp chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành chương trình theo quy định.
Ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh được giao phối hợp khảo sát nhu cầu tại các đơn vị, doanh nghiệp trong KCN; lựa chọn nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu học tập phục vụ hoạt động dạy học theo quy định. Đồng thời lựa chọn, đề xuất đơn vị đủ điều kiện tổ chức giảng dạy các chương trình ngoại ngữ phù hợp.
Tỉnh cũng yêu cầu sau khi hoàn thành 3 lớp học thí điểm sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả để có cơ sở xem xét mở rộng mô hình, xây dựng chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành…
Như vậy, chủ trương dạy học ngoại ngữ cho người lao động tại các KCN trong tỉnh là đòi hỏi xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nếu được mở rộng, mô hình này sẽ góp phần thúc đẩy phong trào toàn xã hội tích cực tham gia học ngoại ngữ, đồng thời hướng đến mục tiêu người lao động Thái Nguyên trở thành công dân số, công dân toàn cầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin