Hà Nội xây dựng quy hoạch Thủ đô gắn với liên kết vùng

Theo NDĐT 07:16, 12/12/2023

Sau hơn 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển đô thị văn minh, xây dựng nhiều vùng quê đáng sống. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đối mặt với nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nhiều nguồn lực chưa được phát huy tối đa.

Thi công Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, với 7 dự án thành phần.
Thi công Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, với 7 dự án thành phần. Ảnh: Báo Lao Động

Trước những yêu cầu mới, đồng thời triển khai đồng bộ Luật Quy hoạch, Hà Nội cần một “tấm áo mới”, với những thay đổi có tính chiến lược trong Quy hoạch, nhất là đặt Hà Nội trong mối liên kết với các địa phương trong cả nước để từ đó tạo dựng vị thế mới cho Thủ đô.

Những ngày cuối năm 2023, không khí sôi động diễn ra trên khắp công trường xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Liên kết để phát huy tối đa nguồn lực

Ngay sau khi tiếp nhận mặt bằng, các nhà thầu xây dựng đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội đã khẩn trương huy động nhân lực, máy móc để triển khai 14 mũi thi công trên toàn tuyến với độ dài khoảng 58,2 km, đi qua địa phận bảy quận, huyện của thành phố, trong đó có 11 mũi thi công đường và ba mũi thi công cầu. Hiện các nhà thầu đang thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các cầu qua sông Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch; chủ đầu tư đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 14 cầu vượt sông, kênh mương và cầu vượt đường sắt Hà Nội-Lào Cai.

Cùng lúc đó, trên công trường thi công tại các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, các đơn vị thi công cũng đang nỗ lực để bảo đảm tiến độ xây dựng “đại công trình”. Ngoài đi qua ba tỉnh, thành phố, đường Vành đai 4 còn kết nối với hàng loạt dự án giao thông huyết mạch đi các vùng, miền như các đường cao tốc: Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, Pháp Vân-Cầu Giẽ… Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Hà Nội quyết tâm làm đường Vành đai 4 vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay”.

Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là minh chứng rõ nét cho việc triển khai liên kết vùng là một yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển, trong đó hạ tầng là yếu tố nền tảng để triển khai liên kết về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh. Ðây cũng là yếu tố mà Hà Nội còn chưa thể hiện rõ vai trò.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, kiến trúc sư Ðào Ngọc Nghiêm cho biết: “Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu và có nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển hạ tầng, trong đó, không thể không kể đến vai trò của Thủ đô với vùng, bao gồm cả Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Song khách quan nhìn nhận thì những kết quả đó chưa phát huy đồng bộ tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nêu rõ, Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, việc liên kết không chỉ là phát huy thế mạnh từng địa phương, mà còn hỗ trợ, tạo động lực để giải quyết áp lực, khó khăn cho từng địa phương, tạo các chuỗi liên kết hình thành năng lực của cả nước”.

Ðiểm yếu về liên kết vùng thể hiện rõ nét trong sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch. Về phát triển công nghiệp, Hà Nội và các tỉnh chưa có sự liên kết và hợp tác sản xuất, mỗi lĩnh vực công nghiệp đều phát triển độc lập, chưa phát triển công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ phát triển công nghiệp; tính chất của các khu công nghiệp đều giống nhau, chưa có sự phân bố hợp lý tạo ra tính tương hỗ.

Việc phân bố các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong Vùng Thủ đô cũng không có sự phối hợp giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh mà biểu hiện phát triển tự phát. Về thương mại, chưa hình thành hệ thống thương mại toàn vùng, bao gồm hệ thống bán buôn, bán lẻ, kho tàng, hậu cần, chưa có sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh với thành phố Hà Nội, sự liên kết hợp tác còn ở mức thấp.

Về du lịch vùng Thủ đô, chưa có sự liên kết và hợp tác để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương, bao gồm du lịch cảnh quan, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa phục vụ cho nhiều đối tượng khách trong nước và quốc tế…

Cùng với sửa đổi Luật Thủ đô, những vấn đề nêu trên cần được giải quyết khi Hà Nội xây dựng và thông qua Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.

Hợp tác để cùng phát triển

Hà Nội đang lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía bắc, cả nước và hội nhập vào mạng lưới đô thị của khu vực Ðông Nam Á, châu Á. Ðể biến điều đó thành hiện thực thì cần sự phát triển tương hỗ với các địa phương khác trong cả nước, đặc biệt là những tỉnh, thành phố trong khu vực.

Trên cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, sau dự án đường Vành đai 4, Hà Nội cùng các tỉnh sẽ tiếp tục triển khai xây dựng đường Vành đai 5. Kiến trúc sư Ðào Ngọc Nghiêm cho rằng, cùng với xây dựng Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần liên kết xây dựng quy hoạch vùng.

Theo đó, để Hà Nội phát triển và phát triển chuỗi liên kết kinh tế, cũng như quản lý phân bố dân cư hợp lý và triển khai mạng lưới giao thông liên vùng, thì trong hợp tác đầu tư cần có đổi mới gắn với tăng quyền hạn cho Thủ đô để cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước.

Trong đó, cần xác định vai trò, nhiệm vụ của Hà Nội trong vùng và được áp dụng cơ chế đặc thù về sử dụng vốn ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án trong vùng có liên quan đến Hà Nội để các tỉnh cùng phát triển, cùng chia sẻ lợi ích. Về phía các tỉnh, thành phố, nhiều địa phương đã đồng hành trong liên kết phát triển với Hà Nội và sẵn sàng liên kết ở mức độ cao hơn. Bắc Giang từng được hưởng lợi rất nhiều từ liên kết vùng, nhất là các dự án hạ tầng giao thông.

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bắc Giang cùng các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ trở thành vành đai công nghiệp của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ để hình thành và phát triển các hành lang kinh tế nội vùng, liên vùng, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Dương Văn Thái

Do đó, Bắc Giang sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, các tỉnh trong Vùng Thủ đô tập trung làm tốt việc định hướng, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh các dịch vụ thể thao, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, liên kết các tour, tuyến du lịch kết nối các di sản, di tích văn hóa của địa phương phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô”.

Hiện nay, Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thẩm định và đang trong quá trình rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung của quy hoạch có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển; có các định hướng mang tính dài hạn, có khả năng để thực hiện đối với sự phát triển của các ngành, lĩnh vực; phân bổ và sử dụng đất đai, tài nguyên, không gian một cách hợp lý, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng-an ninh.

Tỉnh sẽ thực hiện các quan điểm, mục tiêu phát triển để tạo được sự phát triển bứt phá, thúc đẩy hội nhập, phát triển hài hòa, có sự kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội. Trong mối quan hệ liên kết các tỉnh, thành phố của Vùng đồng bằng sông Hồng, đồng chí Trần Ðức Thắng đề nghị khi lập quy hoạch các tỉnh, thành phố cần chú trọng hơn nữa mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng để cùng phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Ðức Thắng

Các địa phương cần tăng cường hợp tác, trao đổi; cùng nhau nghiên cứu xây dựng các kế hoạch, chương trình, dự án hợp tác phát triển để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở phát huy tốt lợi thế của từng tỉnh, thành phố hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển trên cơ sở bình đẳng, công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Các bên cũng cần sớm hoàn thiện để phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Các quy hoạch cần có sự đồng bộ, thống nhất, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, xung đột gây lãng phí nguồn lực, không phù hợp trong thực hiện các mục tiêu giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đề xuất nâng cao vai trò của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô để các thành viên có thể chia sẻ, thảo luận, xây dựng những định hướng phát triển hài hòa, san sẻ lợi ích để cùng phát triển...