Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 là căn cứ pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ TGPL cho người khuyết tật (NKT) trong cả nước. Trải qua hơn 6 năm thi hành Luật, hoạt động TGPL đã thực sự đi vào đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội, trong đó có NKT.
Một buổi phối hợp tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại huyện Võ Nhai, tháng 11-2023. |
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 26 nghìn NKT. Đây là những người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể; bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Bởi vậy, việc bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận công lý đối với NKT là rất quan trọng, giúp họ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước của tỉnh, tâm sự: Các trợ giúp viên pháp lý khi được cử tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo là NKT luôn nghiên cứu kỹ hồ sơ, đề nghị hội đồng xét xử cân nhắc tính chất, mức độ, nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vị phạm tội, hậu quả thiệt hại, xác định nhân thân của bị cáo… để hạn chế thấp nhất tình tiết tăng nặng, phát hiện tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định mức hình phạt phù hợp nhất.
Có thể kể đến một số vụ việc gần đây có đối tượng là NKT đã được TGPL hiệu quả. Ông Đặng Văn Ngọc, sinh năm 1983, ở xóm Kén, xã Nga My (Phú Bình). Ông là NKT nặng, bị động kinh, được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, có sổ điều trị ngoại trú tại Trạm Y tế xã Nga My. Sau khi có đơn xin được TGPL (20/9/2023), với sự trợ giúp của bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, việc giải quyết ly hôn giữa ông và vợ là bà D.T.B được thực hiện hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật. Ông Ngọc được miễn tiền án phí dân sự theo quy định.
Còn ông Lý Kim Đồng, sinh năm 1971, là NKT nặng thuộc tổ dân phố Bắc Nam, xã Đồng Tiến (TP. Phổ Yên), bị Viện Kiểm sát nhân dân TP. Phổ Yên truy tố ra về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, do bị cáo thuộc diện NKT có điều kiện kinh tế khó khăn, bản thân không có nghề nghiệp ổn định, cũng không có tài sản giá trị lớn; mục đích mua ma túy không nhằm kiếm lợi nhuận mà chỉ để sử dụng cá nhân; bản thân bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự; quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Dung đã đề nghị hội đồng xét xử xem xét miễn hình phạt bổ sung cho bị cáo, miễn án phí và được giảm nhẹ một phần hình phạt (giảm từ 24 tháng tù xuống 18 tháng tù) để bị cáo sớm được trở về với gia đình.
Một buổi tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tại Thái Nguyên. |
Ông Ngô Văn Định, sinh năm 1976, trú tại xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá (Võ Nhai), là NKT đặc biệt nặng, thuộc diện hộ cận nghèo, bị liệt 2 chân, sống nhờ vào trợ cấp của Nhà nước, phải có mẹ đẻ năm nay đã 85 tuổi phục vụ hàng ngày. Ông Định bị Tòa án nhân dân huyện Võ Nhai xử phạt 9 tháng tù về tội đánh bạc.
Do nghe theo bạn bè rủ rê, bị cáo Định đã lao vào con đường đánh bạc (lô, đề) bằng cách khấu trừ tiền thắng vào số tiền bị cáo chơi. Bị cáo tham gia với vai trò đồng phạm giản đơn và chưa có tiền án; quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, giúp các cơ quan tố tụng giải quyết vụ án được thuận lợi.
Áp dụng các điều khoản với một số tình tiết có thể giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự, bà Lê Thúy Hằng - người được Trung tâm TGPL tỉnh phân công trợ giúp pháp lý, đã đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngô Văn Định, cho bị cáo được hưởng án treo 9 tháng và miễn nộp án phí hình sự...
Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm NKT được hưởng chế độ TGPL trên địa bàn tỉnh. Xét thấy các tài liệu lưu trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, các bị cáo đều là NKT, không có tài sản giá trị lớn nên đều được đề nghị không xem xét áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định của Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt cơ bản vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mang tính giáo dục, phòng ngừa chung và phục vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương. Qua đó thể hiện tính nhân đạo, sự khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội.
Nhằm triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật TGPL cho NKT thuộc diện được TGPL theo quy định và tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền của NKT, hằng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT thuộc diện được TGPL.
Bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên, cho biết: Theo kế hoạch năm 2024, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo tăng cường hơn nữa sự tham gia, phối hợp giữa Trung tâm TGPL thuộc Sở Tư pháp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đến NKT, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng, để họ bảo đảm quyền được TGPL với chất lượng và hiệu quả tốt nhất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin