Dù ngày hay đêm, giữa mênh mông nước hồ Núi Cốc hay sâu thẳm trong những cánh rừng đặc dụng ở huyện vùng cao Võ Nhai, những cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên vẫn thầm lặng giữ màu xanh của những cánh rừng.
Tuy công việc khó khăn, nhưng lực lượng của Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh vẫn quyết tâm bám rừng. |
Đường tuần tra quen thuộc
Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi có dịp đi cùng cán bộ của Trạm bảo vệ rừng số 2 (phụ trách quản lý, bảo vệ rừng các xã: Thần Sa, Cúc Đường, Thượng Nung của huyện Võ Nhai) đi tuần tra một số đường mòn, lối mở trên địa bàn xã Thượng Nung để xem có dấu vết lâm tặc vận chuyển gỗ hay không. Sự vất vả, gian nan không kém việc đi sâu vào những cánh rừng đặc dụng. Bề rộng đường chỉ đủ một người đi với dốc quanh co, bám theo sườn núi đá vôi và một bên vực sâu hun hút. Nguy hiểm là vậy, nhưng bước chân của các cán bộ bảo vệ rừng vẫn nhanh nhẹn, ánh mắt luôn hướng về những cánh rừng để xem có tiếng cưa máy hay tiếng kêu của động vật vọng ra không.
Trong số 7 nhân viên của Trạm bảo vệ rừng số 2 thì anh Nguyễn Văn Lâm là một trong những người có thâm niên đi rừng nhiều nhất với gần 20 năm trong nghề. Vừa đi, anh vừa chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên vượt những con đường rừng khúc khuỷu, lắm dốc, nhiều đèo để tuần tra. Đi nhiều thành quen, chính vì thế mà chỗ nào có cây gỗ lớn, có bao nhiều con đường mòn và nằm ở khu vực nào... chúng tôi đều thuộc như lòng bàn tay.
Dành nửa ngày, đi bộ hơn chục cây số, chúng tôi chia tay những cán bộ của Trạm bảo vệ rừng số 2 để đến Trạm bảo vệ rừng số 3 tại xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) - Trạm được giao quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, phân bố trên địa bàn 6 xã khu vực lòng hồ thuộc huyện Đại Từ, TP. Phổ Yên và TP. Thái Nguyên.
Chị La Thị Phượng cùng các cán bộ Trạm bảo vệ rừng số 3 tuần tra rừng phòng hộ hồ Núi Cốc. |
Với đặc thù công việc vất vả nên trong suy nghĩ của nhiều người, cán bảo vệ rừng phụ trách địa bàn thường phải là nam giới. Nhưng khi đến Trạm bảo vệ rừng số 3, chúng tôi được biết có 3 cán bộ nữ được giao phụ trách các xã. Từ năm 2006 đến nay, chị La Thị Phượng được lãnh đạo Ban phân công phụ trách địa bàn xã Tân Thái, quản lý trên 275ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ.
Mặc dù là nữ nhưng đều đặn mỗi tuần 2 buổi chị Phượng cùng lực lượng Kiểm lâm và bảo bảo vệ rừng của xã đi tuần tra diện tích rừng được giao quản lý. Chị tâm sự: Khi mới nhận nhiệm vụ, do là nữ giới, không quen thuộc địa bàn và đường đi lại khó khăn, tôi lo không hoàn thành được. Nhưng sự động viên, chỉ bảo của đồng nghiệp đi trước và tình yêu với rừng đã giúp tôi vượt qua khó khăn ban đầu.
Nhờ bám sát địa bàn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên việc bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn xã Tân Thái do chị Phượng phụ trách đạt kết quả tốt; không xảy ra hành vi vi phạm trong nhiều năm qua.
Vì tình yêu rừng
Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh được thành lập từ tháng 8-2020 trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng và Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc. Ban hiện có 44 cán bộ, viên chức, được giao quản lý, bảo vệ trên 18.700ha rừng đặc dụng và trên 3.200ha rừng phòng hộ trọng yếu. Ban hiện có 3 trạm bảo vệ rừng, tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc các huyện Võ Nhai, Đại Từ, TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên.
Tuần tra, bảo vệ rừng phòng hộ hồ Núi Cốc. |
Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, mức thu nhập trung bình năm 2023 của cán bộ, viên chức hiện chỉ đạt 7 triệu đồng/người/tháng, nhưng với tình yêu rừng, lòng yêu nghề những cán bộ thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh vẫn hằng ngày băng rừng, lội suối để tuần tra; đối mặt với vất vả, nguy hiểm để bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng.
Anh Hà Mậu Hiệp, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 1, tâm sự: Trạm hiện có 11 người, được giao bảo vệ, quản lý trên 9.000ha rừng đặc dụng. Do đặc thù công việc là phải bám rừng nên anh em thường xuyên ăn ở, sinh hoạt ngay tại rừng. Nhiều chốt bảo vệ rừng nằm cách xa khu dân cư, điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, các chốt đều thiếu nước sinh hoạt, điện thắp sáng và sóng điện thoại. Do mức thu nhập thấp, để tiết kiệm chi phí đi lại, mỗi tháng anh em trong Trạm chỉ về nhà 1-2 lần.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh, chia sẻ: Hiện nay, diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ lớn, giáp ranh với nhiều tỉnh khác, lực lượng bảo vệ mỏng, trong khi đó thủ đoạn của các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật hoang dã ngày càng tinh vi. Chính vì vậy, chúng tôi luôn chỉ đạo anh em dù khó khăn đến mấy cũng phải bám sát địa bàn; thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động cũng như phổ biến kiến thức, pháp luật về rừng cho người dân, để bà con cùng giữ rừng. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn ra, chúng tôi còn phối hợp với một số xã, thị trấn xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin