Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động “tín dụng đen” (TDĐ) đang phát triển theo hướng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Nguyên nhân được đưa ra là tình hình kinh tế, lao động, việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu tài chính trong nhân dân tăng cao. Đây là cơ hội để các đối tượng lợi dụng hoạt động TDĐ và cho vay mượn dân sự. Đáng chú ý, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm liên quan đến TDĐ đã thay đổi theo hướng khó phát hiện, khó xử lý hơn.
Một nhóm đối tượng cho vay lãi nặng bị lực lượng chức năng xử lý đầu năm 2024. Ảnh: T.L |
Ngoài các thủ đoạn cũ là mời gọi, đưa vào chòng hoặc ép buộc cho vay nặng lãi…, các đối tượng giờ còn sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn để có thể trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Một số đối tượng người nước ngoài câu kết với thành phần trong nước thành lập các doanh nghiệp núp bóng, sử dụng công nghệ cao và móc nối với các công ty tài chính, trung gian thanh toán, ví điện tử để cho vay theo hình thức TDĐ.
Mới đây, Bộ Công an có báo cáo đánh giá về nội dung này và thẳng thắn chỉ ra rằng, phương pháp tuyên truyền về TDĐ hướng đến nhóm người dân gặp khó khăn, nhất là người bị ảnh hưởng do mất việc hoặc thiếu việc làm còn chưa thuyết phục; hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú, thiếu tuyên truyền cá biệt. Các giải pháp tín dụng hỗ trợ người dân chưa thật sự hiệu quả, công tác làm sạch dữ liệu thông tin khách hàng vay, tài khoản ngân hàng, thuê bao di động còn chậm. Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân, làm giả giấy tờ, tài liệu… vẫn diễn ra phổ biến.
Bên cạnh đó, việc triển khai các đoàn, tổ công tác xuống hiện trường kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu hoạt động TDĐ còn chưa tốt. Kết quả phát hiện, xử lý tội phạm qua công tác thanh tra, kiểm tra còn ít. Việc người dân tố giác tội phạm liên quan đến TDĐ chưa kịp thời, phần lớn chỉ tố giác khi các đối tượng đã thực hiện hành vi đòi nợ, siết nợ, chiếm đoạt tài sản.
Nhiều hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội liên quan đến trốn nợ, bùng nợ đã xảy ra ngày càng nhiều. Việc áp dụng biện pháp xử lý tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ còn vướng mắc, chưa thống nhất, thiếu tính răn đe tội phạm.
Trước thực tế trên, để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa. Trong đó tập trung tuyên truyền hướng tới những người dễ trở thành nạn nhân của TDĐ (người đang gặp khó khăn về kinh tế, có nhu cầu vay vốn song không đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng, người thất nghiệp, mất việc làm, công nhân, sinh viên, người lao động thu nhập thấp...).
Đồng thời đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Siết chặt quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay, doanh nghiệp núp bóng hoạt động TDĐ, quản lý người nước ngoài. Thành lập và duy trì hoạt động của các tổ công tác liên ngành để kiểm tra các cơ sở kinh doanh có biểu hiện hoạt động TDĐ hoặc móc nối, tiếp tay cho hoạt động TDĐ trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tỉnh cũng yêu cầu ngành Công an tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp mạnh tội phạm liên quan TDĐ. Cần nhất là phải chuyển hướng công tác phòng, chống tội phạm từ thủ công, truyền thống sang công nghệ hiện đại. Tiếp tục tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động liên quan đến TDĐ tại các công ty tài chính, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh khác có điều kiện liên quan đến hoạt động TDĐ.
Ngành Thông tin và Truyền thông cần triển khai giải pháp xác thực và chuẩn hóa thông tin thuê bao di động nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sử dụng thuê bao không chính chủ để vi phạm pháp luật. Phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, xử lý các đối tượng để phát tán tin nhắn, điều hướng cuộc gọi phục vụ hành vi vi phạm pháp luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin