Người Việt vốn rất coi trọng hàm răng, mái tóc nên tục ngữ có câu “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Theo thời gian, xã hội ngày càng hiện đại, thì việc chăm sóc “góc con người” cũng càng công phu hơn, đặc biệt là phụ nữ. Những năm gần đây, nối tóc đang là một xu hướng làm đẹp mới của phái nữ.
Hair Salon Linh Thái trên đường Minh Cầu thu hút khá đông khách đến nối tóc. |
4 tiếng biến ngắn thành… dài
Trong một lần đi cắt tóc, vì mải xem điện thoại nên tôi để ông chủ của một Salon tóc trên đường Phùng Chí Kiên (TP. Thái Nguyên) cắt mái tóc của mình ngắn quá mức cần thiết. Nhìn vào gương, tôi không thể chấp nhận nên gọi điện cho một người bạn có khiếu thẩm mỹ về tóc để “cầu cứu”. Sau một hồi trình bày, tôi nhận được lời khuyên nên đi nối tóc.
Theo địa chỉ cô bạn tư vấn là uy tín, chất lượng, tôi đặt lịch hẹn và đến Hair Salon Linh Thái trên đường Minh Cầu vào sáng một ngày cuối tuần. Mặc dù tôi đến sớm, nhưng Linh Thái đã khá đông khách, đón tôi ngay cửa là chủ tiệm tên Linh. Dẫn tôi vào bàn uống nước, Linh đưa cho tôi bảng giá dịch vụ và tư vấn: - Với chiều cao của chị nên nối 55cm, tóc chị mỏng nối khoảng 230 tép tóc sẽ dày và bồng bềnh. Bên em có kỹ thuật nối sáp và nối lông vũ, chị nên nối lông vũ vì đây là kỹ thuật nối tóc đang thịnh hành, nhiều khách hàng đến đây đã lựa chọn kỹ thuật này.
Tôi tò mò: - Nối lông vũ là như thế nào?
Linh cầm một tép tóc đưa cho tôi xem, giải thích: - Bên em sẽ sử dụng các tép tóc lông vũ tự nhiên nối vào tóc thật của chị. Chất tóc mềm mượt, mối nối bé, tép tóc có thể sử dụng được nhiều lần, không hao hay mỏng đi. Tóc chị ngắn và thưa nối lông vũ sẽ tăng độ dày và chiều dài cho tóc. Sau nối, chị thoải mái tạo kiểu không lo tóc bị gãy. So với các kỹ thuật nối tóc khác như nối bằng keo hay nối sáp, nối lông vũ ít gây hại cho tóc thật hơn.
Vì đã được bạn dặn trước nên tôi đi đến thỏa thuận với Linh khá nhanh. Linh bảo, chị chờ bên em chuẩn bị để nối tóc.
Sự chuẩn bị như Linh nói là gội sạch, sấy khô đầu cho khách và xử lý những tép tóc đã được khách lựa chọn. Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, Linh đưa tôi đến ghế ngồi và bảo: Chị chịu khó ngồi khoảng 4 tiếng, các nhân viên sẽ nối tóc cho chị. Bên em phải làm cẩn thận để chị có mái tóc nối ưng ý nhất, làm đẹp không vội được.
Linh dứt lời thì 4 nhân viên đến bên tôi, hai người cầm tóc và hai người trực tiếp nối. Nhìn vào gương, tôi thấy nhân viên lấy từng sợi tóc lông vũ và nối chúng vào tóc thật của tôi bằng một sợi chun. Các nhân viên lặp đi lặp lại “quy trình” ấy hơn 4 tiếng thì 230 tép tóc đã được nối lên mái tóc ngắn của tôi.
Sau khi nối đủ số lượng tóc, nhân viên cắt tỉa chỉnh sửa lần cuối rồi thông báo: Xong rồi chị ạ.
Tôi thở phào nhẹ nhõm nhìn vào gương và ngỡ ngàng trước sự thay đổi của chính mình. Quả thật, việc chăm sóc “một góc con người” góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi diện mạo của cả một con người.
Làm đẹp cũng lắm công phu
Du nhập vào Việt Nam từ năm 2007, nối tóc giờ đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Tại Thái Nguyên, thời gian gần đây xu hướng làm đẹp này mới trở nên thịnh hành và thu hút giới trẻ nên các tiệm nối tóc xuất hiện ngày càng nhiều. Khó có thể thống kê trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có bao nhiêu tiệm nối tóc, nhưng gần như trên các trục đường lớn đều có.
Rất nhiều kỹ thuật nối tóc đang được các tiệm thực hiện, như: nối kẹp chì, nối sáp, nối lông vũ, nhưng nối lông vũ được nhiều chị em lựa chọn, bởi đây là kỹ thuật hiện đại, nhiều nước trên thế giới đang thực hiện. Có hai loại tóc nối lông vũ phổ biến được sử dụng trong nối tóc là tóc lông vũ tự nhiên và tóc lông vũ nhân tạo.
Tóc lông vũ tự nhiên thu thập từ lông gà, ngỗng hay vịt. Tóc lông vũ tự nhiên có độ bền cao, mềm mại, tạo cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái cho người sử dụng nên giá cao. Tóc lông vũ nhân tạo sản xuất từ sợi nhựa hoặc sợi tổng hợp có chất lượng tương đối tốt nhưng thường không bền và mềm như tóc lông vũ tự nhiên nên giá thấp hơn.
Giá nối tóc có nhiều mức khác nhau, hiện dao động khoảng 500.000 đến 6.000.000 đồng. Mức giá phụ thuộc nhiều yếu tố: chiều dài, tình trạng tóc, kỹ thuật nối, số chùm tóc hay số tép tóc cần nối. Có một điều tôi khá bất ngờ là không phải cứ thích nối tóc ra tiệm là có thể làm được.
Chị Quỳnh Nga, Chủ tiệm nối tóc Quỳnh Nga, gần Đại học Thái Nguyên, chia sẻ: Thời gian nối tóc trung bình từ 1-3 giờ. Tóc muốn nối được phải có độ dài ít nhất 10cm tính từ gốc, không quá yếu hoặc quá thưa. Khi da đầu đang viêm loét, có mụn nhọt, gàu ngứa hay tóc bị rụng do bệnh lý thì không được nối tóc. Nếu nối cho tóc dày hơn thì chiều dài tóc nối phải tương ứng với chiều dài tóc thật. Còn nối cho tóc dài hơn thì dùng bộ tóc nối dài hơn tóc thật khoảng 3 lần. Chiều dài lý tưởng của bộ tóc nối thường là gấp 3 lần chiều dài tóc thật, không phải cứ nối càng dài là càng tốt, bởi tóc thật sẽ không đủ sức để “cõng” phần tóc dài và nặng hơn nó gấp nhiều lần.
Ngồi vài tiếng mới có được mái tóc đẹp, nhưng giữ được nó trong thời gian bao lâu lại phụ thuộc khá nhiều vào cách chăm sóc. Chuyện về chăm sóc tóc nối, anh Đức Tuấn, chủ Huyn. A. Hair Salon ở số 242, đường Lương Ngọc Quyến, bật mí: Tóc nối không nên gội đầu quá nhiều lần trong tuần. Không phải ai cũng biết gội đầu tóc nối, thợ gội đầu cũng có người thạo người không. Gội đầu đúng cách là dùng đầu ngón tay xoa bóp da đầu, xoa dầu gội từ trán hướng ra phía sau chân tóc và chuốt nhẹ từ chân tới ngọn. Trong khi gội, hạn chế chải tóc, gội xong để tóc khô tự nhiên hoặc sấy ở nhiệt độ thấp, sấy phần tóc nối trước phần tóc thật. Muốn chải tóc hay tạo kiểu phải đợi đến khi tóc khô hẳn hoặc còn hơi ẩm mới được thực hiện. Cũng không nên buộc chặt, giật mạnh hoặc kéo tóc nối, bởi khi tác động mạnh, mối nối sẽ lỏng ra dẫn đến tóc dễ bị gãy rụng.
Thế mới biết làm đẹp “một góc con người” cũng lắm công phu, nhưng đó là xu thế tất yếu khi chất lượng cuộc sống đang ngày càng được nâng lên. Chỉ có điều trước khi quyết định làm đẹp cho mình, bạn hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ các thông tin để đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin