Mức lương đủ sống - mục tiêu cần đạt đến

Hồng Tâm 15:38, 20/08/2024

Cùng với lương tối thiểu, lương cơ sở, lương cơ bản thì còn có khái niệm lương đủ sống. Có thể hiểu đó là mức lương người lao động được nhận cho thời gian làm việc bình thường, đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của bản thân và gia đình.

Lương cơ sở được điều chỉnh tăng giúp cải thiện mức sống công chức, viên chức, người lao động. Trong ảnh: Cán bộ xã Quy Kỳ thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả.
Lương cơ sở được điều chỉnh tăng giúp cải thiện mức sống công chức, viên chức, người lao động. Trong ảnh: Cán bộ xã Quy Kỳ thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa.

Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”. Đây chính là cơ sở quan trọng của vấn đề “lương đủ sống” ở nước ta.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống và từng bước cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, dứt điểm. Trong đó có thực trạng tiền lương còn thấp và thiếu tích luỹ; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và các điều kiện an sinh, phúc lợi xã hội một số nơi còn chưa đảm bảo.

Việc điều chỉnh lương cơ sở chính là giải pháp quan trọng giúp cải thiện mức sống cho người lao động. Năm 2013, khái niệm lương cơ sở lần đầu tiên được quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mức lương này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp và lực lượng vũ trang. Cùng với đó là quy định lương tối thiểu áp dụng cho khu vực doanh nghiệp, gọi là mức lương tối thiểu vùng.

Từ 2013 tới nay, lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng 7 lần. Trong đó, đợt 1-7 vừa qua tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) - mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Các mức lương tối thiểu vùng cũng tăng 6%, lương hưu tăng 15%, trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% và đối tượng bảo trợ xã hội tăng 38,9%. Điều đó cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế còn không ít khó khăn.

Để công chức, viên chức và người lao động được hưởng niềm vui trọn vẹn, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp rất cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng, tránh tình trạng “rượt đuổi” giữa lương và giá. Các đơn sự nghiệp tự chủ về tài chính, doanh nghiệp cũng phải cân đối sao cho hài hòa quyền lợi người lao động với nguồn thu, chi phí sản xuất của đơn vị. Ngoài ra cũng cần tính toán sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi nộp thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Chỉ như vậy, việc tăng lương cơ sở mới thực chất, giúp người lao động có mức lương đủ sống và sống được bằng lương, từ đó yên tâm gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.