Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có gần 84.000 gia đình chỉ có bố hoặc mẹ sống chung với con; gần 25.000 hộ có 2 vợ chồng; hơn 121.000 gia đình hạt nhân, tức là có cả bố mẹ và các con… Đặc biệt có hơn 70.600 gia đình từ 3 thế hệ trở lên - đó là những gia đình truyền thống, gia đạo nền nếp, có tôn ti trật tự, trên dưới thuận hòa.
Ông Chu Văn Cam (xóm Đồng Luông, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ) kể chuyện về gia phả dòng họ với các cháu. |
Trò chuyện với chúng tôi về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình thời hiện đại, ông Lý Quý Sông, xóm Gốc Thị, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), người cao tuổi có uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Dìu, tự hào: Đại gia đình nhà tôi có 4 thế hệ, mọi người trong nhà luôn yêu thương, hỗ trợ nhau. Chưa bao giờ các thành viên trong nhà xảy ra cãi vã, to tiếng.
Lên chức cụ từ gần chục năm nay, nhưng ông Sông còn khỏe mạnh, minh mẫn, hằng ngày trông nom các chắt cho con, cháu đi làm. Chiều muộn, các thành viên trong nhà tập trung đông đủ, mỗi người một việc. Ông Sông cho biết: Trong nhà, các cháu, chắt nhìn vào ông bà, cha mẹ như một tấm gương. Vì thế người lớn luôn có ý thức sống đúng chuẩn mực, các cháu, chắt mới ngoan, lễ phép với ông bà, cha mẹ.
Xã hội hiện đại làm thay đổi nhiều quan điểm sống. Cái tôi cá nhân ở mỗi người được tôn trọng, đó cũng là một thách thức lớn đối với các gia đình truyền thống. Bà Tống Thị Vòng, xóm Chí Son, xã Nam Hòa, chia sẻ: Thời công nghệ 4.0, tụi trẻ giỏi hơn mình nhiều về sử dụng công nghệ thông tin, mình cũng phải nhờ các cháu, chắt dạy cho cách sử dụng... Ngồi bên, ông Hoàng Văn Long đỡ lời vợ: Trong lúc các cháu nó dạy mình một số ứng dụng trên điện thoại, nhân đó mình khích lệ các cháu nói tiếng dân tộc, cùng tham gia gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu.
Vợ chồng ông bà Hoàng Văn Long - Tống Thị Vòng có 6 người con, 13 cháu, 6 chắt. 5 người con lập gia đình có cuộc sống riêng, ông bà ở cùng vợ chồng người con trai cả, nhưng hằng ngày các con, cháu, chắt thường qua lại thăm nom nhau, nhất là vào các dịp nhà có giỗ chạp, ngày lễ, Tết, các thành viên tập trung đông đủ, không khí gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc.
Qua sinh hoạt hằng ngày, những nét đẹp truyền thống của gia đình được trao truyền, gìn giữ, phát huy giá trị qua các thế hệ. Đây là nền tảng vững chắc để xây dựng gia đình, dòng họ vững mạnh, góp phần xây dựng xóm, tổ dân phố văn hóa.
Người xưa có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi gia đình đều có cảnh ngộ riêng. So với gia đình hạt nhân hoặc một số mô hình gia đình khác, mô hình gia đình truyền thống có nhiều lợi thế hơn trong cuộc sống. Ví như việc ông bà trông cháu để các con có thời gian làm việc hiệu quả hơn.
Trong cuộc sống hằng ngày, giữa các thế hệ tự có ý tức hơn từ “lời ăn, tiếng nói”, biết kính trên, nhường dưới và cùng chăm lo, thu vén xây dựng hạnh phúc gia đình. Từ trong gia đình đã có giáo dục nền nếp, lớp trẻ khi ra ngoài xã hội biết ứng xử phải đạo, biết tránh xa các tệ nạn xã hội.
Chuyện gia đạo trong gia đình truyền thống, bà Nguyễn Thị Thuận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc tổ dân phố Giang Bình, thị trấn Giang tiên (Phú Lương), tâm đắc: Thời hiện đại, gia đình truyền thống vẫn là mô hình đẹp. Ở đó các thành viên trong nhà có nhiều cơ hội quan tâm tới nhau. Đây cũng là môi trường giáo dục nhân cách con người tốt nhất, rèn dạy các thành viên trong gia đình biết tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; vợ chồng ăn ở “có nghĩa có tình”; ông bà, cha mẹ gương mẫu trước con cháu; con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh chị em trong nhà sống hòa thuận. Đặc biệt là ông bà đã cao tuổi không bị con cháu bỏ rơi…
Ở các gia đình truyền thống luôn có một nếp sống hòa thuận. Các thành viên trong nhà được giáo dục bài bản về nền nếp gia phong từ thuở lọt lòng, chính vì thế “họ” ứng xử, quan hệ tốt với mọi người trong cộng đồng xã hội, có ý thức đóng góp tích cực vào sự phát triển chung tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Huê, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố 10, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), tâm đắc: Những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên trong gia đình truyền thống bao giờ cũng có ý thức tốt trong mọi ứng xử xã hội. Bởi các cháu được giáo dục về tôn ti trật tự trong gia đình, giáo dục về kỹ năng ứng xử lễ phép, biết kính trên, nhường dưới, biết chia sẻ tình cảm và biết sống quảng đại với người yếu thế hơn mình.
Mái ấm gia đình luôn là thành trì vững chãi bảo vệ, che trở an toàn cho các thành viên trong gia đình. Đồng thời là mạch nguồn làm nên sức mạnh nâng bước từng thành viên, cũng như các thế hệ trở nên hoàn thiện hơn trên mọi nẻo đường đời. Vì lẽ đó, mô hình gia đình truyền thống, gia đình “Tam đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường”… đang trở thành ước mơ của nhiều người trong xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin