Chăm lo đời sống phụ nữ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thu Hà 18:37, 14/12/2024

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có 306 nghìn hội viên, trong đó có trên 27% là hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số. Thời gian qua, các cấp hội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Đồng Hỷ tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Đồng Hỷ tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Mô hình tổ, nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường được các cấp hội triển khai trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023. Tham gia mô hình, các tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ đã ứng dụng khoa học công nghệ để quảng bá, cải thiện sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa, từ đó góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trên địa bàn.

Tổ hợp tác sản xuất mì gạo xóm Nà To, xã Định Biên đã có nhiều phát triển khi tham gia Mô hình tổ, nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường. Được triển khai từ đầu năm 2023, Tổ có 5 thành viên, với sản phẩm chủ lực là mỳ gạo và bún khô làm từ gạo bao thai đặc sản của Định Hóa. Trước kia, các sản phẩm chỉ có thể tiêu thụ ở chợ truyền thống tại địa phương, không bao bì nhãn mác. Sau khi tham gia mô hình, không chỉ tư duy sản xuất thay đổi mà các thành viên trong tổ hợp tác cũng đã từng bước nâng tầm cho sản phẩm mỳ gạo.

Chị Vũ Thị Thái, thành viên tổ hợp tác sản xuất: Chúng tôi được tham gia tập huấn do các cấp hội tổ chức, được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tạo dựng nhãn mác, đăng ký sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch, in tem nhãn. Đồng thời, được tập huấn về quản lý chất lượng, hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Kết quả kinh doanh đã tốt lên, số lượng đơn đặt hàng của tổ đã tăng gấp 3 so với trước.

Mô hình tổ, nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường là một trong những hoạt động hiệu quả hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Chị Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, cho biết: Những năm qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao trình độ, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc được lồng ghép vào nhiều hoạt động phong trào tại địa phương.

Cùng với đó, Hội LHPN các cấp cũng đã chủ động khai thác các chương trình, nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của phụ nữ để phát triển kinh tế, tăng thu nhập; tạo điều kiện cho các hộ phụ nữ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số. - Chị Lê Thị Thúy

Từ những nguồn hỗ trợ này, nhiều chị em đã tích cực, gương mẫu trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại địa phương; thi đua sản xuất - kinh doanh; vận động thành viên trong gia đình thực hiện tiêu chí “3 sạch”; tham gia mô hình “Đoạn đường/tuyến phố nở hoa”, “Nhà sạch, vườn đẹp”; “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới”...

Phụ nữ xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai) trồng cây thạch đen để phát triển kinh tế.
Phụ nữ xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai), trồng cây thạch đen để phát triển kinh tế.

Đặc biệt, từ năm 2022, Hội LHPN tỉnh được giao chủ trì triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Đây là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, được triển khai tại 6 huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình.

Thực hiện Dự án 8, đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên thành lập được 206 tổ truyền thông cộng đồng với 1.942 thành viên là người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động; duy trì 192 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” với 1.170 người tham gia là thành viên Ban quản lý. Các cấp hội cũng tổ chức được 29 lớp tập huấn, chương trình nâng cao chất lượng các mô hình của Dự án 8 nhằm xóa bỏ định kiến, khuôn giới mẫu trong gia đình và cộng đồng cho gần 3.000 lượt người dân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn…

Các hoạt động hỗ trợ đã tác động tích cực đến đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Năm 2024, toàn tỉnh có 770 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo và cận nghèo; 253 phụ nữ được các cấp Hội hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, quản lý hợp tác xã; trên 5 nghìn hộ đạt 8 tiêu chí cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”…

Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường năng lực cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, các cấp hội tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân tộc và kiến thức về giới, lồng ghép giới; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực trong công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, kỹ năng tuyên truyền, vận động, kiến thức về văn hóa của các dân tộc thiểu số; kịp thời phối hợp phát hiện, ngăn chặn, giải quyết các vụ việc và vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em...