Thực hiện Nghị định số 79/NĐ/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018; Thông tư 16/2018/TT- BCA ngày 15/5/2018 của Bộ Công an, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT), thời gian qua, Công an huyện Đồng Hỷ đã thu hồi được hàng trăm VK, VLN, CCHT do người dân cất giữ tại nhà, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế thấp nhất những mối nguy hại tiềm ẩn có thể xảy ra.
Người dân xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ), giao nộp vũ khí cho lực lượng Công an. |
Đồng Hỷ là huyện miền núi có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu… Một trong những tập quán lâu đời của đồng bào là phát nương làm rẫy, săn bắt thú rừng với mục đích là bảo vệ mùa màng, nương rẫy và lấy thịt làm thực phẩm. Vì vậy, đồng bào thường tìm tòi, tự chế ra các loại vũ khí như: Súng săn, cung nỏ, súng hơi cồn, súng cao su, dao, kiếm… để săn bắn.
Bên cạnh đó, một số hộ dân còn cất trữ vũ khí còn tồn đọng sau chiến tranh, một số loại vũ khí thô sơ như kiếm, nỏ được giữ làm đồ trưng bày, gia bảo. Xác định rõ đặc điểm ở các xã vùng sâu, vùng xa, người dân ở đây vẫn còn giữ nhiều tập tục không dễ thay đổi, nhận thức về các vấn đề xã hội còn hạn chế, sự bất đồng về ngôn ngữ giao tiếp, Công an huyện Đồng Hỷ đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, đẩy mạnh truyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp VK, VLN, CCHT.
Đại uý Khương Duy Nam, Phó Trưởng Công an xã Tân Long, cho biết: Xã có trên 7.000 dân thì đồng bào dân tộc chiếm 80%, đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và khai thác rừng với 2.000ha rừng phòng hộ, trên 1.200ha rừng sản xuất. Để vận động người dân giao nộp VK, VLN, CCHT, Công an xã tích cực tuyên truyền thông qua các cuộc họp của từng xóm, bản, sử dụng pano, áp phích, khẩu hiệu; kết hợp với phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, trưởng bản, trưởng dòng họ.
Còn Đại uý Ngô Mạnh Hùng, Trưởng Công an xã Văn Lăng, chia sẻ: Cùng với công tác tuyên truyền, Công an xã còn tăng cường lực lượng thực hiện “4 cùng” với nhân dân; phân công những đồng chí có năng lực, trình độ và biết tiếng dân tộc để tuyên truyền, vận động, tranh thủ người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số...
Thời gian qua, lực lượng Công an huyện còn phối hợp với các phòng, ban, ngành chức năng tiến hành rà soát, lập danh sách các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến VK, VLN, CCHT, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, các đối tượng có biểu hiện nghi vấn tàng trữ vũ khí trái phép, để kiểm tra, phân loại và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT.
Vì vậy, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT của người dân trên địa bàn huyện đã được nâng lên rõ rệt. Trong 3 năm (2020-2022), Công an huyện Đồng Hỷ đã vận động người dân giao nộp trên 140 súng tự chế, 4 súng thể thao, 28 vũ khí thô sơ (cung tên, nỏ, kiếm)…
Dự báo tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại VK, VLN, CCHT vẫn còn diễn biến phức tạp, Thượng tá Trần Văn Lịch, Phó Trưởng Công an huyện Đồng Hỷ, cho biết: Bên cạnh chủ động lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về VK, VLN, CCHT, lực lượng Công an huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp. Đối với các trường hợp cố tình không giao nộp, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết thu hồi, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; góp phần ngăn chặn tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin