Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ tiêu về giảm nghèo của huyện Phú Lương đều được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 3,83%. Thành quả này có được nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai linh hoạt các giải pháp giúp người nghèo nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững...
Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và ý chí vươn lên của bản thân, gia đình anh Dương Văn Tuyên (đứng giữa), ở xóm Khe Nác, xã Yên Đổ (Phú Lương) đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, chất lượng cuộc sống được nâng lên. |
Thời gian qua, căn cứ vào kết quả rà soát hộ nghèo hàng năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Phú Lương đã xây dựng phương án tác động, hỗ trợ đối với từng nhóm hộ nghèo, cận nghèo theo chiều thiếu hụt, như: Hỗ trợ các điều kiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập thông qua chính sách hỗ trợ sản xuất hoặc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; rà soát các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả để nhân rộng, chuyển giao phù hợp với điều kiện của hộ gia đình, địa phương…
Trong công tác giảm nghèo, giải pháp trọng tâm được huyện chú trọng thực hiện là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Hàng năm, UBND huyện đã giao phòng chuyên môn khảo sát nhu cầu việc làm của lao động trên địa bàn để có kế hoạch mở lớp đào tạo nghề, tư vấn, định hướng việc làm.
Từ năm 2022 đến nay, huyện đã tổ chức được 35 lớp đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo thường xuyên trong các lĩnh vực: nông, lâm, ngư nghiệp; tiểu thủ công nghiệp, nấu ăn. Huyện cũng phối hợp tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm, thu hút trên 1.500 lao động tham dự; 4 hội nghị tuyên truyền về lao động, việc làm… Giai đoạn 2021-2023, bình quân hàng năm, toàn huyện có trên 2.300 lao động được tạo việc làm mới.
Cùng với đó, công tác vận động các hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững cũng được chú trọng thực hiện. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có 111 hộ được hỗ trợ tham gia Dự án chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản, với tổng kinh phí trên 4,4 tỷ đồng.
Để người nghèo có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, hàng năm, các hội, đoàn thể của huyện Phú Lương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Tính đến ngày 30/9/2023, dư nợ cho vay vốn chính sách trên địa bàn huyện là gần 438 tỷ đồng, giúp nhiều hộ dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng công trình nước sạch...
Cùng với đó, nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà dột nát, từ năm 2021 đến nay, Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức hội, đoàn thể đã vận động ủng hộ được trên 14 tỷ đồng dành để hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thông qua các giải pháp linh hoạt, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện đã có cơ hội để vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo. Từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương giảm 1,19% (đạt chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025). Dự ước đến cuối năm 2023, tỷ hộ nghèo trên địa bàn giảm 0,8% so với năm 2022.
Theo bà Đỗ Thanh Bình, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành chung tay giúp đỡ người nghèo có thêm nguồn lực phát triển kinh tế. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ nghèo, cận nghèo mạnh dạn tham gia các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin