Nỗi đau còn ở lại

15:14, 31/03/2014

Ông cho tôi xem những vết đạn thù găm vào cơ thể, từng vệt dài hằn sâu, nhăn nhúm, đen đúa: 1 vết thương vào đùi trái do đạn bắn thẳng của địch trong trận đánh ở Đắc Tô (Kon Tum) đầu năm 1969, 1 vết thương khác khoét sâu vào cẳng chân phải, cũng do đạn bắn thẳng của địch tại trận đánh cầu Dương Bình (Kon Tum). 

Nhưng với cuộc đời ông, vết thương đau đớn hơn là trong cơ thể phải mang nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam. Những hôm trái gió, trở trời, toàn thân ông đau ê ẩm. Một nỗi đau dội ra từ trong gan ruột. Ông là cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam Lương Ngọc Đàm, hiện ở tổ 8, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên).

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Minh Tân (Kiến Xương, Thái Bình), bố ông là liệt sĩ thời chống Pháp. Nhà nghèo, năm 1962, mẹ ông, bà Vũ Thị Dậu đã dắt díu 4 anh em ông lên vùng đất Kim Phượng (Định Hóa) lập nghiệp.

 

Năm 1966, ông tình nguyện nhập ngũ. Lúc đó ông tròn 19 tuổi. Sau huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân vào mặt trận phía Nam, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Sau 2 lần bị thương, ông được đơn vị cho ra Bắc an dưỡng tại Đoàn 235 Vĩnh Phúc, sau đó được điều động về làm Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn Pháo phòng không tại Thái Nguyên. Đại đội pháo do ông chỉ huy chốt giữ tại địa bàn xóm Văn Thánh, xã Đồng Bẩm (T.P Thái nguyên) đã bắn rơi 1 máy bay F4, 1 máy bay không người lái của đế quốc Mỹ.

 

Sau ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, đơn vị ông nhận nhiệm vụ mới, lên tuyến đầu biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cho đến năm 1988 thì được nghỉ hưu. Trong suốt thời gian 22 năm phục vụ trong Quân đội, ông luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông xây dựng hạnh phúc riêng với bà Nguyễn Thị Tâm. Năm đó (1973), bà Tâm là một sơn nữ 19 tuổi, ở xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Sau ngày cưới ông trở về đơn vị, rồi những lần về thăm nhà, vợ lại mang bầu, song phải chịu đau đớn, tủi hổ vì cứ chuẩn bị sinh thì thai bị chết lưu mãi rồi vợ chồng ông cũng sinh được ba người con.

 

Tuy bệnh tật, ốm đau thường xuyên, nhưng ông Đàm không bao giờ kêu ca, phàn nàn, mà luôn sống lạc quan… ngay cả cảnh nghèo đeo bám gần suốt cuộc đời mình. Năm 1986, lãnh đạo huyện quan tâm, giúp ông được phép lên rừng hạ cây, sau đó UBND xã Phượng Tiến huy động thêm 8 cặp thợ xẻ, lựa cưa liền trong 10 ngày mới lấy đủ bộ cột, xà, vì kèo bằng gỗ nghiến để làm ngôi nhà 5 gian. Năm 1991, khi mua được ngôi nhà cũ ở tổ 8, phường Thịnh Đán, ông chuyển cả gia đình về đây sinh sống. Vì hoàn cảnh túng khó, vợ chồng ông phải bán bộ khung nhà cho ông Hoàng Văn Sính (phường Thịnh Đức).

 

Suốt 23 năm, gia đình ông Đàm: sống tạm bợ trong ngôi nhà cũ nát, mọi thu nhập trông vào suất lương hưu và tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam của ông. Trong cảnh sống khó khăn đó, bà Tâm vợ ông lại bị tai biến mạch máu não, biến chứng bại liệt nửa người, phải nằm một chỗ từ tháng 6-2010 đến nay. Ông thở dài: Vợ tôi đổ bệnh đúng vào lúc thẻ bảo hiểm y tế hết hạn, chi phí thuốc men ở bệnh viện năm đó hết 42 triệu đồng, bà con chòm xóm mỗi người cho vay một ít mới có đủ tiền thanh toán viện phí. Khi đưa vợ về, nhà dột, nền lõm bõm nước. Có lần căng áo mưa trên đỉnh màn, nước đọng nhiều, dây màn bị đứt nước xối xuống nền nhà ướt sũng.

 

Nhìn ngôi nhà cấp 4 mới xây lại chưa có tiền sơn, ông Đàm tiếp tục câu chuyện: Năm ngoái, mẹ tôi mất, cụ hưởng dương 94 tuổi. Cũng ngày mẹ mất, anh em họ mạc trong Nam, ngoài Bắc về chịu tang, thấy ngôi nhà tôi ở liêu xiêu, nên mỗi người một chút, góp được 38 triệu đồng bảo tôi xây lại nhà. Gom góp hết trong nhà được 15 triệu đồng. Hội Cựu chiến binh đứng ra tín chấp giúp tôi vay được 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội Phụ nữ phường cho vay 17 triệu đồng. Cá nhân ông Tấn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường cho vay 10 triệu đồng, còn lại là của bà con lối xóm, tất tật cộng lại được 140 triệu đồng, vừa đủ để xây lại ngôi nhà cấp 4.

 

Được ở nhà mới song ông Đàm luôn… cánh cánh một nỗi lo làm thế nào để trả nợ ngân hàng, các hội đoàn thể và bà con chòm xóm trong khi đó vợ nằm liệt giường, suốt hơn 3 năm nay luôn ước mơ có được 1 chiếc xe lăn mà chưa đủ tiền mua…