Mẹ ơi, con đau lắm

16:14, 08/06/2016

Đau lắm, mẹ ơi… Đều đặn gần ba mươi năm nay, tiếng khóc đau đớn của các con thường dội lên lúc nửa đêm về sáng. Đứa rên ư ử, đứa hét toáng lên, đứa nghiến răng chịu đựng. Còn chị úp mặt vào gối, nước mắt chan hoà vì thương con, thương người chồng yểu phận và thương chính bản thân mình.

Đó là hoàn cảnh của chị Trương Thị Lưu, xóm Đồng Hoan, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ. Chị Lưu là vợ của cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Văn Đức. Năm 1980, hai người xây dựng hạnh phúc. Anh Đức thường tự hào kể cho chị nghe về thời gian sống trong quân ngũ, cùng đơn vị hành quân qua những cánh rừng trụi lá của chiến trường miền Nam. Còn chị kể cho anh nghe chuyện bọn trẻ trong lớp học do chị làm chủ nhiệm. Công việc hằng ngày bận rộn, nhưng hạnh phúc làm vợ chồng nguôi ngoai nhọc mệt. Để cuộc sống gia đình ổn định, chị xin thôi việc, về làm ruộng cùng chồng. Từ năm 1983 đến năm 1991, chị sinh liền 4 người con, lần lượt là Nguyễn Thị Luyến (1983), Nguyễn Thị Chiến (1985), Nguyễn Thị Hoàn (1988) và Nguyễn Văn Hùng (1991). Những tưởng hạnh phúc như bao người, nhưng tai họa lặng lẽ ập xuống cuộc đời chị. 

 

Chị kể: Cả 4 lần tôi mang thai, rồi sinh nở đều bình thường, đứa nào cũng khoẻ mạnh, kháu khỉnh, hay ăn, mau lớn. Cháu Luyến, con gái đầu lòng đã lấy chồng, ra ở riêng. Còn các cháu Chiến, Hoàn, Hùng chân tay dần bị teo tóp, không còn đứng vững, nay cả việc xúc ăn cũng rất khó khăn.

 

Bệnh tật lặng lẽ gặm nhấm sức khoẻ của từng người thân trong gia đình chị. Đang học dở lớp 3, Chiến không thể đến trường được nữa vì đau nhức xương, khó đi. Hơn 5 năm sau, xương khớp gối chân, tay phình ra, cơ teo lại, Chiến bệt hẳn xuống, lết lê trong nhà. Cũng năm đó (1997), chồng chị, anh Nguyễn Văn Đức phát bệnh lạ, da thâm xỉn, tóc rụng từng nắm, người đau ê ẩm. Chị vội đưa chồng đi bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương. Bác sĩ bảo bệnh khô gan, không chữa được.

 

“Có bệnh thì vái tứ phương”, nghe ai mách ở đâu có thầy lang chữa bệnh giỏi, chị đạp xe, nhếch nhác đến trình bày, cắt thuốc. Nhưng thuốc của hơn 10 ông thầy lang chị cắt cho chồng đều không chữa được bệnh. Cuối năm 1997, chồng qua đời, để lại cho chị gánh nặng nợ nần và đàn con đau ốm. Đang lấn bấn với khó khăn thì bé Hoàn phát bệnh giống chị. Hoàn bảo: Mẹ ơi, hình như có ai đó đánh từ trong óc ra, con đau lắm. Chân, tay con cũng đau lắm, như có giòi cù ở trong tuỷ. Vậy là Hoàn không còn được cắp sách đến trường như chúng bạn, vì đau đớn, phải ở nhà.

 

Thấy hai con gái bị bệnh hiểm nghèo, chị thầm cầu nguyện cho Hùng, đứa con trai duy nhất trong nhà không bị bệnh tật. Nhưng từ năm Hùng 14 tuổi, chị lờ mờ nhận ra ở con trai mình một sự bất thường về sức khoẻ. Chị lo lắm, hằng ngày dỗ dành con chịu ăn lấy sức, cùng bạn chơi thể thao. Hùng đã rất cố gắng, nhưng căn bệnh lạ không cho em đứng vững trên đôi chân của mình. Hùng bảo: Mẹ ơi, con không đi học được đâu, vì đến lớp, bạn chỉ động nhẹ vào người là con ngã, đau lắm.

 

Nghe con nói, chị Lựu đứng như trời trồng. Chị đã khóc ngay trước mặt các con của mình. Cả 3 người con khi phát bệnh đều được chị đưa về bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương chạy chữa. Đến đâu, chị cũng nhận được câu trả lời là không phát hiện ra bệnh của các cháu. Mẹ con dìu nhau về. Con đi một bước, kêu đau một lời, chị như đứt một khúc ruột. Anh em họ mạc, bà con chòm xóm cảm thương, khi mùa vụ đến giúp cấy, gặt. Khi thấy nhà chị sắp đổ, đến giúp tiền, giúp công. Vì thế chị và 3 người con bị bệnh tật, lết lê có được một ngôi nhà cấp 4, nền xi măng rộng hơn 40m2 để thờ chồng và trú mưa, nắng. Chị bảo: Cả đêm qua cháu Hoàng kêu đau không chịu được, sớm nay tôi nhờ người cho đi bệnh viện khám. Chị dừng lời giây lát rồi bảo: Anh ơi, mấy tháng nay cháu Luyến, đứa con lành lặn nhất nhà bắt đầu rụng từng nắm tóc. Mỗi lần về nhà, cháu trách: -Sao mẹ không chữa bệnh cho con.

 

Chị là người đàn bà chưa từng biết chiến trường miền Nam. Các con của chị chưa từng biết chiến tranh là gì. Nhưng chị và các con của mình đang phải gánh chịu hậu quả chiến tranh.