Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN); gắn đào tạo với doanh nghiệp và đào tạo đáp ứng thị trường lao động,... giải pháp này giúp cơ sở GDNN nâng cao được vị thế, vai trò đào tạo, thu hút được học viên. Hơn thế, người được đào tạo có ngay việc làm phù hợp với năng lực; còn doanh nghiệp có nhân lực không phải đào tạo lại.
Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động - TB&XH) cho biết: Hiện, trên địa bàn tỉnh có 43 cơ sở GDNN được cấp phép hoạt động, trong đó có 29 cơ sở công lập và 14 cơ sở tư thục. Hầu hết các cơ sở GDNN đều có liên kết, hợp tác với doanh nghiệp; đồng thời chủ động tổ chức đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19.
Linh hoạt để thích ứng - không phải khẩu hiệu, mà là một hành động “sống còn” đối với các cơ sở GDNN. Như việc đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện tuyển sinh và đào tạo. Giải pháp này hạn chế được việc tập trung đông người cùng lúc. Nhất là trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, “kịch bản” hoạt động của các cơ sở GDNN thay đổi so với dự kiến trước đó.
Từng cơ sở xây dựng được kế hoạch hoạt động sát với diễn biến thực tế. Như tuyển sinh online, đào tạo online. Nhiều thời điểm, học sinh, sinh viên không học tập trung, song công tác đào tạo qua hình thức trực tuyến được kết nối, duy trì hiệu quả.
Ấn tượng là trong năm 2021 vừa qua, toàn tỉnh đã thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho gần 37.000 người, bằng hơn 102% kế hoạch. Trong đó, hơn 2.300 người trình độ cao đẳng, đạt gần 117%; hơn 7.000 người trình độ trung cấp, đạt hơn 78%; gần 14.500 người trình độ sơ cấp, đạt hơn 96%; gần 13.000 người được đào tạo thường xuyên, đạt gần 130%. Đặc biệt, có 1.300 con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số được ngân sách tỉnh hỗ trợ đào tạo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Thuận, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, tâm đắc: GDNN không chỉ bảo đảm nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân; tạo cơ hội cho lao động nông thôn có thêm nghề mới.
Còn ông Nguyễn Duy Nhất, Hiệu Phó phụ trách Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Trường được cấp giấy chứng nhận hoạt động GDNN với 24 nghề. Ngoài giáo dục, đào tạo nghề, Nhà trường còn được phép tổ chức đào tạo để chuyển đổi nghề cho người lao động, như: Hàn, điện, may công nghiệp, mộc dân dụng… Bình quân có hơn 1.500 lao động được đào tạo, có việc làm ngay sau tốt nghiệp.
Để không lạc hậu trong GDNN, 100% cơ sở chủ động sắp xếp, bố trí cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm; khuyến khích cán bộ, giáo viên tham dự các cuộc thi dạy nghề, thao giảng trong khu vực và toàn quốc. Qua đó bổ sung thêm kinh nghiệm, kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là với những giáo viên dạy thực hành trên thiết bị máy móc. Đặc biệt, đã có hơn 200 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh ký kết hợp tác với một số cơ sở GDNN của tỉnh trong liên kết, đào tạo nghề.
Chất lượng GDNN được nâng cao, ngoài ý nghĩa bảo đảm đủ nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, còn làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho người lao động trẻ. Qua đó tạo nên một thế hệ năng động, sáng tạo, có tác phong công nghiệp phù hợp với thời đại 4.0.