Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường được TP. Sông Công quan tâm thực hiện. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Theo thống kê, TP. Sông Công hiện có trên 136.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm 66% dân số). Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Sông Công cho biết: Thành phố tập trung tuyên truyền giúp người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học nghề; điều tra nhu cầu học nghề và sử dụng lao động qua đào tạo trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ. Các chương trình đào tạo nghề đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người lao động, nhất là trong việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Trong 5 năm gần đây, thành phố đã phối hợp đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động nông thôn với các nghề: Kỹ thuật sơ chế và bảo quản sản phẩm cây công nghiệp; nuôi dê, thỏ; chế biến chè xanh; kỹ thuật may công nghiệp; kỹ thuật chế biến món ăn… Thông qua các lớp đào tạo nghề, người lao động được tiếp cận với chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, tăng cơ hội có việc làm với thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Với 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đứng chân trên địa bàn thành phố, thời gian qua, các đơn vị đã không ngừng đổi mới công tác đào tạo, xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với yêu cầu thực tế; chủ động mở thêm các ngành nghề xã hội đang cần; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; hướng vào phục vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là khối các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có vốn đầu tư nước ngoài, đòi hỏi tay nghề cao…
Tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, Nhà trường đã thiết lập mối quan hệ với 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sinh viên học tập, trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp. Với thời lượng đào tạo thực hành chiếm tới 70% chương trình và thời gian thực tập nghề nghiệp chiếm tới 40% thời gian học thực hành nên khoảng cách giữa nhà trường - doanh nghiệp gần như không còn; giúp sinh viên sau tốt nghiệp tự tin hơn khi tham gia vào môi trường lao động sản xuất.
Đặc biệt, năm 2019, Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức đã tổ chức đào tạo thí điểm chương trình chuyển giao công nghệ của Đức về nghề cắt gọt kim loại cấp độ quốc tế. Sau 3,5 năm, các học viên này có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp theo công nghệ 4.0.
Việc đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tế đã góp phần giúp kinh tế - xã hội địa phương có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 75,4%; thương mại - dịch vụ chiếm 17,4%; nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,2%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên địa bàn đạt trên 80%.
Thời gian tới, kế hoạch đào tạo nghề của thành phố sẽ bám sát hơn nữa nhu cầu của người lao động và định hướng phát triển của địa phương. Trong đó chú trọng thông tin về công tác dạy nghề, việc làm đến người lao động; gắn hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn với sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để người lao động có thể tìm việc làm với mức thu nhập cao hơn.