Do ít đơn hàng nên thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh phải cho công nhân làm việc cầm chừng, cắt giảm giờ làm việc, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này khiến cho nhu cầu sử dụng lao động trong các KCN có sự biến động.
Từ tháng 6-2022 đến nay, Công ty TNHH Young Jin Hi - Tech Việt Nam (KCN Điềm Thụy) phải cắt giảm hơn 200 lao động và cắt giảm 15-20% thời gian tăng ca của người lao động. |
Vừa qua, Công ty TNHH Wiha Việt Nam (ở KCN Sông Công I) - đơn vị chuyên sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay (kìm, tô-vít...) phải cắt giảm tới 60 công nhân do công ty “mẹ” (có trụ sở tại châu Âu) gặp khó khăn do không có nhiều đơn hàng sản xuất.
Ông Phạm Ngọc Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Wiha Việt Nam, giải thích: Nhiều tháng trước đó, chúng tôi đã phải áp dụng giải pháp duy trì việc làm cho người lao động, như cho người lao động làm việc luân phiên, nghỉ hết phép năm; đồng thời, hỗ trợ chi trả 80% lương. Tuy vậy, do không tháo gỡ được khó khăn nên Công ty buộc phải cắt giảm số lao động trên để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Tương tự, nhiều công ty sản xuất linh phụ kiện điện tử tại KCN Điềm Thụy, KCN Yên Bình cũng gặp khó khăn do không có đơn hàng. Tình trạng này diễn ra từ cuối quý II/2022 và kéo dài tới nay. Trước bối cảnh đó, nhiều đơn vị phải xoay xở bằng cách cho công nhân làm việc cầm chừng, cắt giảm thời gian tăng ca...
Đơn cử như tại Công ty TNHH Daesin, chuyên sản xuất linh phụ kiện điện thoại cho Tập đoàn Samsung, nhiều tháng nay, DN chỉ duy trì sản xuất 2 ca/ngày.
Hay như tại Công ty TNHH Young Jin Hi - Tech Việt Nam, từ tháng 6/2022 đến nay, do số lượng đơn hàng ít, đơn vị buộc phải cắt giảm hơn 200 lao động. Với số công nhân bị cắt giảm, Công ty thực hiện thỏa thuận và bồi thường với mức 2-3 tháng lương cơ bản; tạo điều kiện cho họ thực hiện các thủ tục nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Mặt khác, người lao động đang làm việc tại nhà máy chỉ duy trì sản xuất 2 ca/ngày và cắt giảm 15-20% thời gian tăng ca so với trước.
Trước bối cảnh nhiều công ty trong KCN phải duy trì sản xuất cầm chừng, một bộ phận người lao động dù không bị cắt giảm hợp đồng nhưng đã chủ động xin nghỉ việc để tìm kiếm công việc khác nhằm cải thiện mức lương.
Thực tế cho thấy thời gian gần đây, tại Thái Nguyên có việc cắt giảm lao động trong các KCN. Điều này xuất phát từ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Tuy nhiên, tình trạng người lao động bị cắt giảm hợp đồng không phổ biến.
Về phía DN, ý kiến chuyên gia cho rằng, việc phải cắt giảm nhân sự cũng là chuyện "chẳng đặng đừng". Bởi có thể ở thời điểm hiện tại, sản xuất, kinh doanh đình trệ nhưng nếu cắt giảm nhiều lao động, đến khi có đơn hàng DN lại không thể xoay xở kịp. Chính bởi lý do này, nên dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng hiện các DN, chủ lao động vẫn cố gắng tìm ra những phương án tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Theo báo cáo của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, trong tháng 11/2022, không có DN nào trong KCN phải cắt giảm lao động từ 100 người trở lên. Dù vậy, nhận định chung của ngành chức năng là từ nay đến hết năm, các DN còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, nhiều công ty mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm bằng việc hỗ trợ thêm các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn như: hỗ trợ giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; thời gian nộp thuế; giảm bớt các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước tại DN...
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là thời điểm mà các cấp công đoàn phải nêu cao vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Các cấp công đoàn phải phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt chế độ chính sách, phải công khai cho người lao động, để chính người lao động chia sẻ khó khăn với DN. Bên cạnh đó, phối hợp để giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là trong các lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng để người lao động có cơ hội tìm việc làm mới...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin