Ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn, với nhiều người là giấc mơ đổi đời. Nhưng để bảo đảm an toàn, giúp người lao động (NLĐ) không bị rơi vào “trận đồ bát quái” của các đối tượng buôn bán người, lừa đảo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) an toàn.
Đại diện doanh nghiệp tư vấn cho học sinh tham gia du học hoặc đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. |
Được sự hỗ trợ tích cực từ Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, hoạt động đưa người Thái Nguyên đi làm việc tại nước ngoài luôn bảo đảm chất lượng, an toàn. Phần lớn NLĐ đạt thu nhập ổn định, có tiền lương hằng tháng gửi về cho gia đình. Đặc biệt, trong quá trình làm việc ở nước ngoài, NLĐ được tiếp cận với các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại, tay nghề được nâng cao, tư duy kinh tế thay đổi và có tác phong công nghiệp.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Giai đoạn 2012-2022, tỉnh Thái Nguyên có hơn 11.700 lượt người đi làm việc ở nước ngoài, riêng năm 2022 có 1.914 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (tăng hơn 1.200 người so với năm 2021).
Số lượng lao động phân bố khác nhau ở các thị trường, trong đó: Đài Loan có hơn 5.400 người; Nhật Bản hơn 2.500 người, Malaysia hơn 900 người, còn lại là thị trường tại các nước khác. Ở nước ngoài, NLĐ Thái Nguyên làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, từ lao động giản đơn đến những ngành nghề đòi hỏi có trình độ tay nghề đạt kỹ thuật cao. Vốn cần cù, chịu khó, NLĐ Thái Nguyên được các thị trường tiếp nhận đánh giá là đội ngũ thợ có kỹ năng khéo léo, ham học hỏi, sáng tạo, có khả năng nắm bắt nhanh công việc đảm nhận và làm việc đạt năng suất, chất lượng.
Nhằm bảo đảm an toàn và quyền lợi cho NLĐ, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động ban hành các kế hoạch triển khai chính sách pháp luật về việc người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Với các doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh để tuyển chọn lao động, dù đã có đủ điều kiện, song cơ quan chức năng của tỉnh vẫn nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra, quản lý, kiên quyết không để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh và gây thiệt hại cho NLĐ.
Người lao động tìm hiểu về quyền, lợi ích khi tham gia xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên. |
Hiện nay, trên địa bàn của tỉnh có hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực XKLĐ. Đó là các doanh nghiệp thực sự có năng lực, làm việc hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Trong thời gian từ năm 2012 đến hết năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giới thiệu hơn 230 lượt doanh nghiệp về các địa phương để tuyên truyền, tạo nguồn và tuyển chọn lao động.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có uy tín thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyển dụng người tham gia XKLĐ với chỉ tiêu lớn, như: Tập đoàn ICO Group - Chi nhánh Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên); Công ty CP phát triển nhân lực quốc tế Yamato (Hà Nội); Công ty CP đầu tư Minanotame (Hà Nội); Công ty CP hợp tác quốc tế Hashi Việt Nam (TP. Thái Nguyên), chủ yếu du học và làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… với mức thu nhập từ 14 đến 35 triệu đồng/người/tháng.
Để bảo đảm chất lượng tuyển dụng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp sau khi tuyển chọn được lao động phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ. Chỉ những lao động đã tham gia đầy đủ khóa học và có bài kiểm tra cuối khóa đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Khi đó NLĐ mới đủ điều kiện để được ra nước ngoài làm việc.
Các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực XKLĐ tại Thái Nguyên cũng đã nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn NLĐ làm thủ tục xuất cảnh; thực hiện đúng cam kết hợp đồng với NLĐ và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về tình trạng NLĐ với cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng hành với NLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan có sự phối hợp chặt chẽ, tạo thuận lợi cho NLĐ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; hướng dẫn NLĐ cách làm thủ tục, hồ sơ vay vốn.
Đối với lao động là người dân tộc thiểu số; NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được tỉnh hỗ trợ tiền học nghề, học ngoại ngữ, tiền ăn trong thời gian thực tế học, chi phí đi lại. Riêng NLĐ thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn các cấp chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và NLĐ đã về nước để phối hợp quản lý, tư vấn định hướng việc làm, nghề học. Theo đó, mỗi năm có hàng nghìn lượt người được cơ quan chức năng Nhà nước tư vấn, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, trong đó lồng ghép việc tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ đã hết hạn hợp đồng về nước có nhu cầu quay trở lại các quốc gia đã từng làm việc, hoặc NLĐ có nhu cầu tìm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh Thái Nguyên.
Từ sự quan tâm, coi trọng an toàn trong XKLĐ, các cấp, ngành chức năng của tỉnh và doanh nghiệp đã củng cố vững chắc hơn lòng tin của người dân, nhất là với NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Đây cũng là những biệp pháp tăng cường quản lý, hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động XKLĐ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin