Người Mông ở núi cao, thạo việc trồng cây bắp, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Ai cũng lam làm, nhưng cây bắp, con trâu, bò chưa mang lại cho đồng bào cuộc sống dư giả. Chính vì vậy, phiên giao dịch việc làm (GDVL) được tổ chức cho đồng bào người Mông ở Võ Nhai đã tạo dư âm tốt, giúp bà con được tiếp cận đầy đủ hơn với thị trường lao động.
Nhiều bạn trẻ học nghề để sẵn sàng tham gia thị trường lao động. |
Sau 3 phiên GDVL do huyện Võ Nhai tổ chức trong năm 2022, đồng bào người Mông ở các xóm: Mỏ Chì (Cúc Đường), Lân Vai (Dân Tiến) và Chòi Hồng (Tràng Xá) đã có nhiều thay đổi tư duy về việc làm. Nếu như trước đây, đồng bào chỉ gắn bó với đám nương, đàn vật nuôi ở nhà, thì nay đã có nhiều người “chấp nhận” cuộc sống xa nhà, đến các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh làm công nhân.
Bà Nguyễn Thị Huyên, cán bộ Phòng Lao động - TB&XH huyện Võ Nhai, tâm đắc: Tham gia các phiên GDVL, đồng bào người Mông được nâng cao hiểu biết về thị trường lao động, được tuyên truyền về Luật Lao động và các chính sách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Trong số họ có nhiều người được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được kết nối việc làm thành công. Cũng qua các phiên GDVL, nhiều người hết mặc cảm, tự ti, sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Hơn nữa, người lao động được gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận với doanh nghiệp về công việc, mức lương và các chế độ, chính sách liên quan.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Văn Khình, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm Lân Vai (Dân Tiến), phấn chấn: Trước đây, ngày nông vụ thư nhàn, chúng tôi đi làm thuê cho bà con ở các vùng lân cận. Nay thì khác, nhiều người trong độ tuổi lao động đến các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh làm công nhân, có tiền lương mang về cho gia đình. Với mức lương bình quân 7 triệu đồng/tháng, số tiền này sẽ mua được khoảng 1 tấn thóc. Trong khi đó 6 sào ruộng, gieo cấy, chăm bón, thu hoạch mất 3 tháng mới thu được 1 tấn thóc.
Được tư vấn việc làm, đồng bào phấn chấn vì “nhận ra” khả năng của mình có thể đáp ứng được yêu cầu công việc tại nhiều doanh nghiệp khác nhau. Nên ngay khi các phiên GDVL khép lại, câu chuyện về việc làm trở nên thời sự trong cuộc sống của đồng bào. Lên nương, xuống ruộng, đi chăn trâu, bò… gặp nhau là hỏi chuyện đi công ty. Việc liên hệ, xin vào các công ty làm việc đơn giản, hồ sơ và các quy trình phỏng vấn có thể qua Zalo, email hoặc trực tiếp đến các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Ông Trương Văn Thông, Trưởng xóm người Mông Chòi Hồng (Tràng Xá), bộc bạch: Người Mông ở Chòi Hồng không có nhiều đất trồng cây bắp, cây lúa, nên hầu hết hộ trong xóm đều có người ra ngoài, ai thuê gì làm nấy, miễn là không vi phạm pháp luật. Nhưng từ 1 năm nay, sau phiên GDVL được tổ chức tại địa phương, chúng tôi hiểu thị trường lao động là nơi giữa doanh nghiệp và NLĐ được kết nối, gặp gỡ và nhất trí các thỏa thuận liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ.
Có việc làm mới, hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn so với việc thuê ruộng cấy lúa, trồng bắp. Nhiều gia đình đã vận động con em tham gia thị trường lao động. Khi được hỏi về việc con em trong xóm đi làm công nhân, ông Lý Văn Dí cho biết: Các cháu ra ngoài, được va chạm với xã hội nên nhanh nhẹn hơn. Còn đi công ty, các cháu có tiền lương hằng tháng mang về cho gia đình xây, sửa nhà, mua máy móc làm rừng, làm rẫy hoặc xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Có thêm việc làm mới, đời sống của đồng bào người Mông cũng bớt nghèo, bớt khổ. Ông Ngô Văn Chú, Trưởng xóm Mỏ Chì (Cúc Đường), tâm đắc: Từ sau phiên GDVL, ở xóm vơi hẳn người trong độ tuổi lao động. Họ rủ nhau đi làm cho các doanh nghiệp... Còn ông Lý Văn Nùng, cùng ở xóm Mỏ Chì, cho biết: Người Mông trong xóm được tư vấn, giới thiệu việc làm, chúng tôi cảm nhận đầy đủ hơn về các chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước dành cho đồng bào Mông.
Việc các cơ quan chức năng tổ chức phiên GDVL tại những vùng khó khăn của tỉnh, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã mở ra cho đồng bào cơ hội tìm kiếm việc làm mới, với mức thu nhập ổn định. Chính vì thế mà hằng năm, huyện Võ Nhai hướng các hoạt động như ngày hội việc làm, phiên GDVL về cơ sở... Nhân đó tuyên truyền đến người dân về các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ; tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ, kết nối cho doanh nghiệp và NLĐ trực tiếp đàm thoại, thỏa thuận về công việc và mức thu nhập.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin