Chú trọng đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo

V.D 17:03, 01/08/2024

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện Phú Lương triển khai tích cực và hiệu quả. Đối tượng được đào tạo nghề ưu tiên là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người nghèo, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Lớp đào tạo nghề thú y do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương tổ chức.
Lớp đào tạo nghề thú y do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương tổ chức.

Đối tượng lao động được ưu tiên đào tạo trên địa bàn huyện Phú Lương là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, chiếm gần 70%. Công tác đào tạo nghề được thực hiện bám sát vào nhu cầu thực tế tại các địa phương nên sau khi tham gia các lớp học, học viên đều áp dụng được ngay vào sản xuất tại gia đình.

Chị Trần Thị Mai (dân tộc Tày, ở xóm Pháng 2, xã Phú Đô) là một trong hàng trăm người ở xã đã được đào tạo nghề làm chè thông qua lớp học của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương tổ chức. Thông qua các lớp dạy nghề, chị đã đổi mới tư duy, quy trình sản xuất chè, không còn sản xuất chè theo kinh nghiệm. Thay vào đó, chị áp dụng những kỹ thuật đã được cán bộ của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương hướng dẫn như: Sử dụng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của chuyên gia; nhận diện và chữa các loại bệnh trên cây chè; chế biến chè theo quy trình tiên tiến…

Chị Mai cho biết: Gia đình tôi có 5 sào chè. Trước đây các khâu sản xuất chè đều là kinh nghiệm của mọi người trong xóm hoặc học tập của các hộ xung quanh nên năng suất và chất lượng chè không cao, lãng phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Do gia đình tôi không áp dụng theo kỹ thuật nên giá chè búp khô chỉ đạt khoảng 100-120 nghìn đồng/kg. Sau khi được tập huấn kỹ thuật và áp dụng thì chỉ sau gần 1 năm, chất lượng chè cải thiện rõ rệt, giá bán tăng lên khoảng 150 nghìn đồng/kg, sản lượng cũng tăng lên 20%.

Tại xã Yên Lạc, số lao động được tạo việc làm mới từ năm 2023 gần 150 người. Trong đó, trên 70 người tìm được việc làm mới, được đào tạo nghề. Ông Thi Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hằng năm, xã đều xây dựng kế hoạch, phân công từng đơn vị rà soát nhu cầu học nghề và hỗ trợ việc làm của người dân, ưu tiên các lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo. Từ đó, xã phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp để tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. Cùng với lớp học nghề làm chè, các lớp thú y và chăn nuôi cũng được đông đảo người dân đăng ký tham gia học. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, hàng chục hộ dân mạnh dạn mở rộng chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô gia trại.

Bình quân mỗi năm, huyện Phú Lương có trên 2.000 lao động được tham gia các lớp đào tạo nghề, ưu tiên lao động ở khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho gần 600 người, trong đó có trên 70% là người đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo.

Một số nghề được người lao động thường xuyên lựa chọn như: kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn; thú y; sửa chữa máy nông nghiệp; trồng chè; trồng rau an toàn; sửa chữa điện dân dụng; tin học ứng dụng… Về hình thức đào tạo nghề cũng được đa dạng hóa, từ tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến đào tạo lưu động tại các xóm, xã. Nhờ công tác đào tạo nghề được triển khai tích cực, mỗi năm huyện Phú Lương giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động.

Ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương, cho biết: Trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức gần 20 lớp đào tạo nghề cho khoảng 800 người. Đối tượng được đào tạo trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Các lớp học nghề đã giúp người lao động nông thôn từng bước nâng cao trình độ, tạo điều kiện tốt để tiếp cận các mô hình, đề án phát triển sản xuất. Qua các lớp đào tạo nghề, trên 80% số lao động sau học nghề có việc làm hoặc làm nghề cũ nhưng năng suất cao hơn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.