Từ một nông dân bình thường, anh Nguyễn Huy Sơn, xóm Tân Ấp 1, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), vươn lên thành lập Công ty CP Trà Việt Thái, là người đầu tiên xây dựng sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao ở TP. Phổ Yên (năm 2018). Mới đây, anh được bình chọn là một trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.
Công ty CP Trà Việt Thái do anh Nguyễn Huy Sơn (đứng bên phải) làm Giám đốc tạo việc làm cho 13 lao động, mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng. |
Trong phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Công ty CP Trà Việt Thái (nằm trên trục đường liên xã Phúc Thuận), anh Sơn vui vẻ giới thiệu với chúng tôi về những thành quả của bản thân và cộng sự.
Đó là sản phẩm Lộc trà thượng hạng, Lộc trà, Tâm trà của Công ty được UBND tỉnh Thái Nguyên, Cục Công thương địa phương, Bộ Công Thương liên tiếp chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực, chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; giấy khen vì có thành tích trong công tác nông nghiệp và phát triển nông thôn; giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; Bằng khen của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam... Anh tự hào: Có được “gia tài” đó là quá trình đổ mồ hôi, công sức, tâm huyết nhiều năm của tôi với nghề sản xuất, kinh doanh chè.
Sinh ra ở quê lụa Hà Đông, năm 1978 anh theo cha mẹ lên xã Phúc Thuận khai hoang lập nghiệp. Năm 1993, sau khi lập gia đình, anh bắt đầu đi mua chè của công nhân Nông trường chè về Hà Nội bán. Quá trình đó, anh liên tục bị tư thương ép giá, thậm chí bị chiếm dụng vốn, khiến việc buôn bán gặp nhiều khó khăn.
Anh Sơn nghĩ, nếu mình không thay đổi thì việc bị ép giá, phụ thuộc đầu ra sẽ không được giải quyết. Từ đó anh ấp ủ kế hoạch xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm “chỗ đứng” cho chè Phổ Yên. Anh quyết định “đầu quân” cho một doanh nghiệp chè có tiếng để học hỏi kinh nghiệm.
Năm 2009, anh thành lập Công ty CP Ngoại thương Trà Việt Thái và liên kết với một số hộ dân trồng chè trong vùng để sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu chè Phổ Yên.
Dù nỗ lực quảng bá, xây dựng thương hiệu song có thể do sản phẩm chưa thật sự chất lượng hoặc tiếp cận chưa đúng đối tượng khách hàng, thị trường... nên trong vài năm đầu, Công ty bán được ít hàng.
Anh không nản lòng, tiếp tục tìm kiếm cơ hội, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đặc biệt quan tâm sản đến “sản xuất xanh” an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên hướng dẫn, tư vấn cho người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè; hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu thảo mộc, bao tiêu đầu ra cho bà con…
Bên cạnh đó, anh cũng thiết kế lại bao bì, mẫu mã, nhãn mác để tạo ra bộ nhận diện riêng; tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm của đơn vị tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, trên các trang thông tin, mạng xã hội… Sản phẩm chè của HTX được chế biến và đóng gói theo dây chuyền công nghệ mới, máy móc đồng bộ, nhà xưởng khép kín rộng 1.000m2 đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến nay, Công ty đã liên kết với hơn 100 hộ thuộc xóm Tân Ấp 1, xóm 7, xã Phúc Thuận, với vùng nguyên liệu chè VietGAP 21ha. Nhờ được chú trọng khâu sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm chè của Công ty ngày càng được khẳng định trên thị trường.
Trung bình mỗi năm, Công ty xuất bán khoảng 60 tấn chè búp khô (tương đương 273 tấn búp tươi/năm, doanh thu đạt 23 tỷ đồng, với các sản phẩm chính là: Lộc trà thượng hạng, Lộc trà đặc biệt, Lộc trà và Tâm trà; tạo việc làm cho 13 lao động, thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng; thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các thành phố lớn và một số tỉnh, thành trên cả nước.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Sơn còn là Bí thư Chi bộ xóm Tân Ấp 1. Trong vai trò “đầu tàu”, anh luôn tiên phong, gương mẫu thực hiện các phong trào chung như hiến đất, ủng hộ xây dựng các công trình công cộng của xóm; hỗ trợ vốn vay, tặng quà cho các đối tượng yếu thế ở địa phương; sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin