Nói phải đi đôi với làm, làm phải chứng minh được hiệu quả - Đó là quan điểm của anh Nguyễn Quốc Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiên Phong, xã Yên Trạch (Phú Lương) trong sản xuất nông nghiệp. Cuối tháng 11 vừa qua, anh Hoàng là 1 trong 36 thanh niên tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của.
Nguyễn Quốc Hoàng là 1 trong 36 thanh niên tiêu biểu toàn quốc, vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. |
Anh Nguyễn Quốc Hoàng sinh năm 1991, là người dân tộc Tày. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn nghèo khó. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã cùng ông bà, bố mẹ lên rừng chặt măng, hái rau rừng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Sẵn có nghề thuốc nam gia truyền, mỗi lần lên rừng, anh Hoàng lại được ông và bố chỉ cách nhận biết, công dụng của từng loại cây thuốc nam. Niềm đam mê với cây thuốc nam đã “ngấm” vào chàng thanh niên Nguyễn Quốc Hoàng tự lúc nào không hay.
Anh Nguyễn Quốc Hoàng: Thuở bé, tôi đã yêu thích các loại cây dược liệu. Khi cuộc sống của bà con còn nhiều khốn khó, mỗi lần cùng với ông và bố lên rừng kiếm dược liệu về giúp đỡ bà con quanh vùng chữa được một số bệnh, tôi thấy rất vui vì gia đình mình đã lan tỏa được việc tốt tới những người xung quanh.
Đam mê với cây dược liệu là vậy, nhưng lớn lên Nguyễn Quốc Hoàng lại chọn học ngành Tin học công nghiệp (Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên) vì anh nghĩ, công nghệ thông tin là ngành quan trọng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Năm 2015, tốt nghiệp, chàng thanh niên người dân tộc Tày làm nhiều nghề để trang trải cuộc sống, trong đó có bán hàng online. Tích góp được một khoản vốn, Hoàng về quê, mua đất của bà con quanh vùng để trồng cây dược liệu.
Chúng tôi thắc mắc, hỏi: Học xong ngành Tin học công nghiệp, một ngành khá “hot”, tại sao anh không tìm nghề nào phù hợp với những gì mình đã được đào tạo mà lại chuyển hướng sang làm về lĩnh vực nông nghiệp?
Hoàng bảo: Thời gian ở nhà, tôi nhận ra một điều, xung quanh nơi tôi ở có rất nhiều cây dược liệu. Như vậy chứng tỏ, đồng đất ở đây thích hợp để loại cây này sinh trưởng và phát triển. Tôi nảy ra ý nghĩ, tại sao một vùng đất có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi như vậy để phát triển cây dược liệu mà mình lại không biết khai thác tiềm năng, lợi thế đó. Trong khi, bản thân mình đã từng được tiếp cận và phân biệt các loại cây dược liệu từ nhỏ.
Từ ý nghĩ đó, năm 2015 Nguyễn Quốc Hoàng mua đất của bà con quanh vùng để trồng cây dược liệu như mướp đắng rừng, khôi nhung, kim tiền thảo, ba kích… khai thác để chế biến thành các sản phẩm sấy khô. Ban đầu là bán cho bà con trong xóm, trong xã. Sau này, nhiều người ở các địa phương khác biết đến sản phẩm của Hoàng, đặt mua nhiều, anh đã nhân rộng diện tích trồng từ 1-2ha lên 7ha.
Năm 2024, sản phẩm trà mướp đắng rừng do HTX Nông nghiệp Tiên Phong sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. |
Năm 2018, Nguyễn Quốc Hoàng thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiên Phong, với 15 thành viên (trong đó 11 thành viên là người dân tộc thiểu số), đồng thời liên kết với các hộ dân khác trong xóm để hình thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, liên kết với các hợp tác xã khác trong và ngoài tỉnh để phát triển sản phẩm.
Là kỹ sư chuyên ngành Tin học, nhưng lại chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp, theo chia sẻ của Hoàng, ban đầu anh cũng gặp không ít khó khăn do am hiểu lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, khó thu hút người lao động đến với HTX để làm việc vì mọi người chưa tin vào khả năng của anh…
Bên cạnh mua đất của bà con để trồng cây dược liệu, thuê nhân công để làm, anh Hoàng còn thường xuyên trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu cùng bà con và các thành viên HTX để vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ học ở những người bên cạnh, anh Hoàng còn tích cực tham gia các lớp tập huấn do phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Phú Lương tổ chức; học hỏi cách trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu trên các trang mạng…
Năm 2021, anh đăng ký tham gia học ngành Y học cổ truyền (Trường Trung cấp y tế Thái Nguyên), thời gian 2 năm để đúc rút thêm kinh nghiệm xoa bóp, bấm huyệt kết hợp với các bài thuốc nam gia truyền nhằm trị các bệnh về xương khớp...
7 năm xây dựng và phát triển HTX Nông nghiệp Tiên Phong, thời gian chưa nhiều nhưng cũng không phải là quãng thời gian ngắn để chàng thanh niên Nguyễn Quốc Hoàng có trải nghiệm và gây dựng nên thành công của HTX. Đúng như những gì anh chia sẻ với chúng tôi “Nói phải đi đôi đôi với làm, làm phải chứng minh được hiệu quả”, kết quả là sản phẩm trà mướp đắng rừng do anh sản xuất đã được công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh năm 2024 và được UBND huyện Phú Lương công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Hiện nay, HTX Nông nghiệp Tiên Phong có đến hàng nghìn khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua sản phẩm, doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Tiếp nối thành quả đó, anh Hoàng tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho các thành viên trong HTX. |
Theo đó, Hoàng đang đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như: máy sấy, máy đóng trà túi lọc, máy nghiền, máy nấu cao… trên diện tích nhà xưởng rộng 180m2, đưa vào dây chuyền sản xuất ra những sản phẩm giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh đó, anh còn xây dựng không gian văn hóa nhà sàn của người dân tộc Tày, tái hiện đời sống của đồng bào dân tộc mình qua nếp nhà sàn để khách hàng đến tham quan Hợp tác xã có dịp được sống trong ngôi nhà sàn, được trải nghiệm ra vườn thuốc nam thu hái, chế biến ra sản phẩm trà, đồng thời được tận hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo hướng y học cổ truyền…
Chúng tôi hỏi thêm “Học xong đại học nhưng lại không theo ngành mình học, điều này có làm anh cảm thấy tiếc nuối?”. Anh Hoàng khẳng định: Tôi không hề thấy tiếc quãng thời gian mình theo học ngành Tin học, bởi hiện nay, ngành học đó đang là “trợ thủ” đắc lực để tôi ứng dụng 4.0 vào chiến lược bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, tạo ra những đơn hàng mang lại nguồn thu cho HTX và các thành viên.
Chỉ tay về phía vườn dược liệu, anh Hoàng cho chúng tôi biết thêm: Tôi phấn đấu, mỗi năm sẽ nhân rộng diện tích vườn dược liệu này từ 3-4ha. Năm 2025, Hợp tác xã dự kiến sẽ phát triển thêm 2-3 sản phẩm OCOP từ cây dược liệu; đẩy mạnh bán hàng không chỉ ở kênh truyền thống mà còn trên kênh online, phân phối đến các đại lý. Được nhận Giải thưởng Lương Định Của, đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm, thôi thúc tôi ngày càng cố gắng hơn nữa để xứng đáng với giải thưởng mà mình đã được nhận.
Anh Vũ Văn Thắng, Bí thư Huyện đoàn Phú Lương đánh giá: Nguyễn Quốc Hoàng là thanh niên, người đảng viên luôn tiên phong không chỉ trong các hoạt động đoàn mà còn trong các hoạt động, phong trào ở xóm, xã. Anh là tấm gương sáng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, để nhiều thanh niên trên địa bàn học tập và noi theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin