Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, có thời gian bị bệnh dài, tiến triển chậm. Khi mắc các bệnh không lây nhiễm, người bệnh phải điều trị suốt đời, có thể gặp nhiều yếu tố nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nếu không được chăm sóc, kiểm soát tốt.
Hiện nay, chưa có con số thống kê chính xác về số người mắc các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh.Tuy nhiên, theo con số riêng chúng tôi nắm được, Thái Nguyên đang có hơn 29,5 nghìn người mắc bệnh cao huyết áp được quản lý; gần 13,1 nghìn người mắc bệnh đái tháo đường được quản lý và trên 1.400 người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được quản lý tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên…
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên nhận định: Khoảng 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung đang phải đối mặt với sự gia tăng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mãn tính.
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, những năm trở lại đây, ngành Y tế Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã thẩm định cho phép tổ chức khám, quản lý, điều trị ngoại trú bệnh cao huyết áp tại 7 trạm y tế thuộc Trung tâm Y tế Phổ Yên và T.P Thái Nguyên, nâng tổng số trạm y tế xã quản lý bệnh cao huyết áp lên 120 trạm, chiếm 67,4% số trạm; thực hiện tư vấn cho 400 người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường; quản lý trên 90% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường…
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng gia tăng các bệnh không lây nhiễm vẫn khá cao. Đơn cử, chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát hiện thêm hơn 1.000 người mắc bệnh cao huyết áp. Hưởng ứng ngày Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp (17/5), tỉnh thực hiện hoạt động Tuần lễ toàn dân đi đo huyết áp và phát hiện gần 5.800 người trong tống số trên 23 nghìn người mắc bệnh cao huyết áp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nguyên, Khoa khám bệnh, Bệnh viện A Thái Nguyên nói: Nguyên nhân của thực trạng này là do người dân chưa có ý thức phòng bệnh, còn rất nhiều người, chủ yếu là nam giới hút thuốc lá, uống rượu. Ngoài ra, do chế độ dinh dưỡng, thiếu ý thức trong việc tập thể thao, rèn luyện sức khỏe nên số người thừa cân béo phì trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng...
Đặc biệt, tình trạng người dân Thái Nguyên sử dụng lượng muối trong các bữa ăn hàng ngày cao cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm. Bà Lưu Thị Hồng, một người dân ở tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi mắc bệnh cao huyết áp gần 3 năm nay. Dù đã cố gắng tiết giảm số muối nêm trong khẩu phần ăn nhưng vẫn chưa đạt được như khuyến cáo của các bác sĩ vì thói quen ăn mặn nhiều năm nay. Hiện, tôi vẫn cố gắng thích nghi để ngày càng ăn nhạt hơn, bảo đảm sức khỏe cho bản thân.
Thêm vào đó là, nhiều bệnh không lây nhiễm, nhất là các bệnh ung thư cũng khởi phát từ nguyên nhân ô nhiễm môi trường gia tăng, đô thị hóa, do lối sống của người dân...
Bởi vậy, để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý, nhất là tại tuyến y tế cơ sở thông qua cung cấp các tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực để tăng tỷ lệ phát hiện sớm; tổ chức đào tạo tập huấn; ban hành các hướng dẫn, quy định về nhiệm vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm cho từng tuyến, làm cơ sở giao chỉ tiêu chuyên môn và kiểm tra, giám sát đánh giá hoạt động.
Song song với đó, ngành Y tế duy trì việc củng cố hệ thống giám sát, triển khai phần mềm quản lý để cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin số liệu theo dõi tình hình bệnh tật, các yếu tố nguy cơ và đánh giá kết quả các hoạt động phòng chống bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe, trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh thông qua các biện pháp kiểm tra sức khỏe đơn giản như đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, sàng lọc ung thư..., tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh.