Trời lạnh, người già nhập viện vì bệnh phổi tăng mạnh

Theo baotintuc.vn 07:29, 11/12/2022

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, số lượng người mắc bệnh phổi tăng mạnh trong đợt giá rét gần đây.

Nhiều người cao tuổi vào viện trong tình trạng nặng.
Nhiều người cao tuổi vào viện trong tình trạng nặng.

Tại khoa Bệnh phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, thời tiết giá rét khiến số lượng bệnh nhân tăng lên rõ rệt. Bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi, nằm kín hết số giường bệnh; nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy, hỗ trợ hô hấp.

Vừa chuyển từ phòng Cấp cứu xuống phòng điều trị, ông Trần Văn Cộng (70 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) vẫn còn phải thở máy sau đợt phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

“Bố tôi vốn có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; tôi nghĩ do thời tiết thay đổi đột ngột là nguyên nhân bị bùng phát đợt cấp của bệnh. Bắt đầu là hiện tượng đột ngột khó thở, gia đình phải đưa luôn bố tôi vào bệnh viện cấp cứu và phải thở máy luôn, được cấp cứu kịp thời, hiện bố tôi đã đỡ nhiều”, con gái bệnh nhân Trần Văn Cộng cho biết.

Cùng nằm điều trị, nhiều bệnh nhân cao tuổi cũng khá yếu, dự kiến phải nằm viện dài ngày.

Chia sẻ về tình hình bệnh nhân nhập viên trong thời tiết lạnh, Ths.BS. Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết: “Hiện Miền Bắc đang trong những ngày giá rét, nhất là 10 ngày gần đây, nhiệt độ hạ đột ngột; cũng như mọi năm, khoảng thời gian này bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp tăng đột biến, kể cả bệnh nhân đến khám và phải nằm nội trú. Tại Khoa hiện có 55 giường bệnh, lúc nào cũng kín; chúng tôi phải linh hoạt điều phối giữa các khoa để đảm bảo điều trị cho người bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại đây, có 15 bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập, thở máy hỗ trợ; số còn lại đa số phải thở oxy vì tình trạng suy hô hấp”.

Tại Khoa Bệnh phổi mãn tính đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân lên cơn hen cấp tính, bệnh nhân bị các đợt cấp của viêm phế quản mãn tính do nhiễm trùng, liên quan mật thiết đến yếu tố thời tiết.

Cũng theo Ths.BS. Vũ Văn Thành, trong tháng vừa qua, thời tiết giao mùa chuyển từ nóng sang lạnh khiến số bệnh nhân nội trú tăng rõ rệt. Nếu bình thường Khoa chỉ điều trị khoảng 200 lượt bệnh nhân/tháng thì tháng vừa rồi tăng lên hơn 130%. Với các trường hợp phải vào nội trú điều trị, đa số trong tình trạng phải thở oxy, suy hô hấp. Thậm chí, có nhiều trường hợp rất nặng phải thở máy xâm nhập, đặt ống nội khí quản; cũng có trường hợp tử vong.

Người bệnh mãn tính cần thận trọng khi thay đổi thời tiết

Theo BS. Vũ Văn Thành, đối với các bệnh hô hấp có đặc thù riêng. Đặc biệt, phổi là cơ quan trực tiếp giao tiếp với môi trường, hít thở luồng không khí bên ngoài môi trường vào cơ thể nên tất cả những thay đổi môi trường đều trực tiếp ảnh hưởng đến phổi, hệ hô hấp. Khi không khí từ bên ngoài vào cơ thể phải đi qua mũi để sưởi ấm mới đi vào phổi; vì vậy khi không khí lạnh thì việc sưởi ấm này kém hiệu quả; chưa kể trong không khí còn có nhiều chất độc hại, khói bụi, vi sinh không nhìn thấy được…  Khi yếu tố bảo vệ bị giảm sút sẽ tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ bùng phát, người bệnh dễ bị kịch phát các đợt bệnh cấp tính, kịch phát các tình trạng nhiễm trùng về hô hấp.

Đặc biệt, khi bị nhiễm lạnh, viêm phổi, với những người có bệnh lý nền, bệnh thường nặng hơn so với người khỏe mạnh. Đa số những trường hợp đến khám phải nhập viện là những trường hợp nặng, nguy kịch.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, với người có bệnh lý nền, việc phòng bệnh là quan trọng nhất. Với những trường hợp đã có sẵn bệnh lý nền cần được quản lý bệnh nền thật tốt, theo dõi chuyên khoa kể cả bệnh lý về hô hấp và các bệnh lý đi kèm. Người dân cần có chế độ bảo vệ cơ thể thật tốt như đảm bảo dinh dưỡng nhất là người cao tuổi, cần ăn uống đủ chất.

Về chăm sóc, những ngày rét, người cao tuổi cần được giữ ấm, nhất là khi hay phải thức dậy về đêm, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh có thể gây bệnh về hô hấp, hoặc có thể gây những cơn đột quỵ tim, đột quỵ não. Người có bệnh nền cần hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, nếu nhất thiết phải ra ngoài cần mặc ấm, đeo khẩu trang để giữ ấm đường hô hấp để phòng bệnh.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần để ý trẻ không để trẻ bị nhiễm lạnh về đêm, thay tã bỉm kịp thời tránh bị lạnh do trẻ tiểu đêm…

Đồng thời, để tăng sự bảo vệ chủ động, với người bệnh nền, những người trên 65 tuổi nên tiêm phòng cúm, tiêm phòng vi khuẩn phế cầu để giảm tỷ lệ nhiễm bệnh về phổi, tăng khả năng phòng bệnh.