Bằng những phương pháp đổi mới và sáng tạo, Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) đã áp dụng chiến lược mạng xã hội để tăng cường tìm kiếm các ca bệnh HIV/AIDS.
Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hoạt động hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Ảnh minh họa |
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - Giám đốc Dự án EPIC cho biết, đây là năm thứ 4 hoàn thiện dự án và khởi động kế hoạch hoạt động năm thứ 5 của dự án EPIC. Các địa phương triển khai dự án đã rất nỗ lực triển khai để đạt tối đa các chỉ tiêu đề ra. Một số chỉ tiêu đã vượt kế hoạch và rất nhiều tỉnh đã đề nghị tăng chỉ tiêu của tỉnh mình. Điều này đã thể hiện sự cam kết rất mạnh mẽ từ các cán bộ y tế, các đơn vị, các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các hoạt động của dự án.
Tuy nhiên, mô hình dịch có những thay đổi nhất định, xu hướng dịch không chỉ ở các nhóm nghiện chích ma túy mà đang tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM). Để ứng phó với xu hướng dịch thay đổi, dự án đã mở rộng địa bàn hỗ trợ kỹ thuật.
Tính đến năm tài khóa thứ 5 của dự án, tổng cộng có 26 tỉnh, thành phố đã được hỗ trợ kỹ thuật bởi Dự án EPIC và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ.
PGS. TS. Phan Thị Thu Hương mong muốn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam tiếp tục có những nghiên cứu đồng hành cùng với Cục Phòng, chống HIV/AIDS để đưa ra những cảnh báo sớm nhằm giúp cho việc lập kế hoạch và đưa ra những biện pháp dự phòng hiệu quả, kịp thời để ngăn chặn dịch trong thời gian tới.
PGS. TS. Phan Thị Thu Hương đề nghị các tỉnh khẩn trương triển khai ngay các hoạt động năm thứ 5 đã được phê duyệt, phối hợp với Dự án EPIC trung ương để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ giải ngân và tiến độ triển khai chương trình của năm cuối cùng của dự án đạt chỉ tiêu đề ra.
Bà Amy Bailey, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá các tỉnh thực hiện dự án đã rất nỗ lực triển khai dự án, thu được nhiều kết quả tích cực. Bằng những phương pháp đổi mới và sáng tạo, Dự án EPIC đã áp dụng chiến lược mạng xã hội để tìm kiếm được nhiều ca bệnh, vượt mức chỉ tiêu về PrEP, chỉ tiêu điều trị dự phòng Lao, cải thiện tỉ lệ xét nghiệm tải lượng virus cũng như cấp phát thuốc nhiều tháng.
Dự án EPIC đã kết hợp sàng lọc và quản lý các bệnh không lây nhiễm vào công tác chăm sóc HIV. Đây cũng là một trong những đổi mới đáng chú ý trên toàn cầu. Những thành công của các hoạt động cụ thể này cho thấy Dự án EPIC đóng một vai trò rất quan trọng với tư cách là một trong những đối tác hàng đầu ở tuyến Trung ương nhằm hiện thực hóa Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS góp phần chấm dứt dịch HIV chấm dứt dịch HIV vào năm 2030. Để hướng tới mục tiêu đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam và PEPFAR sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Chính phủ để có thể điều chỉnh hoạt động hỗ trợ theo hướng bền vững.
Ông Minesh P Shah, Cố vấn cao cấp của tổ chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đánh giá cao những thành tựu đạt được trong chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và của Dự án EPIC nói riêng, được quốc tế ghi nhận, điển hình như chương trình PrEP của dự án EPIC vượt 30% so với chỉ tiêu hay những đổi mới trong đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm.
Dự án EPIC và Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho sự thành công của PEPFAR trong việc triển khai các dịch vụ cứu sống bệnh nhân HIV và ngăn chặn dịch bệnh. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên chuyển sang mô hình bền vững và cung cấp bài học kinh nghiệm cho các nước trên thế giới.
Dự án EPIC là Dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR). Thời gian thực hiện dự án: 5 năm, từ 01/1/2020 đến 30/9/2024.
Dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được sự kiểm soát dịch bệnh ở 06 tỉnh ưu tiên được lựa chọn vào năm 2020; tăng cường năng lực của Bộ Y tế/ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để duy trì và mở rộng các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng cho người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV/ đối tượng chủ chốt (KP), thông qua hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp (DSD), đặc biệt là ưu tiên tăng cường hỗ trợ kỹ thuật (HTKT), bao gồm cả giới thiệu và nhân rộng các sáng kiến, mô hình và công nghệ mới; phát triển và duy trì mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật PCHIV/AIDS ở cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh.
Trong giai đoạn 2020 – 2024, Dự án hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động, bao gồm: Xây dựng/áp dụng và triển khai các mô hình, hoạt động đổi mới (về dự phòng HIV, xét nghiệm HIV…) nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-95 ở 06 tỉnh ưu tiên được lựa chọn (nêu trên); Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị điều trị nhiễm HIV/AIDS thông qua việc xây dựng/áp dụng và mở rộng các mô hình, hoạt động đổi mới có liên quan đến điều trị nhiễm HIV/AIDS; Tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát trong phòng, chống HIV/AIDS và sử dụng dữ liệu HIV/AIDS của Việt Nam; Thể chế hóa và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin