Đại dịch HIV/AIDS vẫn là một trong những thách thức y tế trên toàn cầu, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng việc bảo đảm quyền tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV cho những nhóm này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực ngày càng giảm dần.
Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng cũng giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao (Mô hình cung cấp PrEP lưu động). Ảnh: Nam Tống |
Các rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ
Nhóm nguy cơ cao bao gồm những người nghiện chích ma túy, người bán dâm, người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới, họ thường phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV.
Kỳ thị và phân biệt đối xử từ cộng đồng và thậm chí từ các nhân viên y tế là một trong những trở ngại lớn nhất. Một nghiên cứu của VNP+ cho thấy 86.2% người sống chung với HIV tại Việt Nam báo cáo trải qua kì thị, với mức độ cao nhất từ cộng đồng (62.8%) và gia đình (30.2%) hơn là từ các cơ sở y tế (8%).
Bên cạnh đó, các rào cản về tài chính và địa lý cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của những nhóm này. Nhiều người trong các nhóm nguy cơ cao thường có thu nhập thấp và không có khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, vấn đề giao thông và khoảng cách địa lý cũng là một trở ngại đối với những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV cho các nhóm nguy cơ cao. Luật Phòng, chống HIV/AIDS được ban hành năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra khung pháp lý vững chắc, quy định rõ ràng về việc cung cấp dịch vụ cho tất cả mọi người, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu ưu tiên nguồn lực cho các nhóm nguy cơ cao và các dịch vụ thiết yếu. Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, Việt Nam đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. Ví dụ, tại Đồng Nai, mô hình "Xe lưu động – PrEP Bus" đã được Glink Việt Nam triển khai từ năm 2021, hay tại TPHCM, Doanh nghiệp xã hội (DNXH) M For M, Phòng khám AloCare cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV miễn phí cho các nhóm nguy cơ cao tại các điểm nóng lưu động trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao. Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế.
Thách thức và giải pháp trong bối cảnh nguồn lực giảm dần
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ cho các nhóm nguy cơ cao vẫn đang đối mặt với thách thức lớn khi nguồn lực tài chính từ các nhà tài trợ quốc tế ngày càng giảm dần. Quỹ Toàn cầu, PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua. Giai đoạn 2004-2022, PEPFAR đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 900 triệu USD. Trong giai đoạn 2013-2023, PEPFAR vẫn là nhà tài trợ lớn nhất chiếm tới hơn 40% tổng chi cho HIV/AIDS. PEPFAR và Quỹ Toàn cầu đã đóng góp tới gần 90% tổng chi cho thuốc ARV.
Nguồn lực giảm dần đã gây ra nguy cơ gián đoạn trong chuỗi cung ứng dịch vụ và thuốc điều trị, đồng thời cũng làm hạn chế khả năng duy trì và mở rộng các chương trình hiện có. Để giải quyết thách thức này, Việt Nam cần tăng cường đầu tư trong nước và huy động nguồn lực từ các đối tác khác nhau.
Hiện nay, mức đóng góp của ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí, thấp hơn so với mức trung bình 54% của các nước có thu nhập trung bình khác.
Ưu tiên nguồn lực cho các nhóm nguy cơ cao và các dịch vụ thiết yếu
Sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có thông qua các mô hình tiết kiệm chi phí. Một số mô hình được khuyến nghị bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) như cung cấp điều trị dựa vào dịch vụ cộng đồng, sử dụng nhân viên y tế cơ sở để điều trị HIV dài hạn, hay áp dụng các mô hình dịch vụ kết hợp HIV/AIDS với các dịch vụ khác như sức khỏe sinh sản. Những mô hình này giúp tiết kiệm chi phí đồng thời mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao.
Trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, cần xác định rõ các ưu tiên, tập trung nguồn lực vào các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất và các dịch vụ cần thiết như tư vấn xét nghiệm, điều trị và dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Theo Ngân hàng Thế giới (2022), các can thiệp tập trung vào các nhóm nguy cơ cao sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn so với các chương trình can thiệp rộng rãi.
Tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác. Bằng cách học hỏi từ kinh nghiệm của các nước khác trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ cho các nhóm nguy cơ cao trong điều kiện nguồn lực hạn chế, Việt Nam có thể nhân rộng các mô hình thực hành tốt và tránh sai lầm. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ cũng là cần thiết để huy động thêm nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật.
Cuối cùng, sự thành công trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ cho các nhóm nguy cơ cao phụ thuộc vào sự tham gia và cam kết của tất cả các bên liên quan. Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người nhiễm HIV và các đối tác phát triển cần phối hợp chặt chẽ, đồng thời tiếp tục nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin