Các hiện tượng thiên tai như trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét… luôn gây bất ngờ, khó dự đoán, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Để giảm nhẹ rủi ro, tăng năng lực dự báo, cảnh báo, các nhà khoa học ngành TN&MT đã xây dựng bản đồ phân vùng phục vụ phòng chống thiên tai một cách chủ động hơn. Chúng tôi phỏng vấn TS. Đỗ Minh Hiển - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT để tìm hiểu về phương pháp này.
TS. Đỗ Minh Hiển - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. |
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình thiên tai, rủi ro thiên tai và những thiệt hại do thiên tai gây ra trên cả nước trong thời gian qua?
TS. Đỗ Minh Hiển: Những năm gần đây, ảnh hưởng của các loại hình thiên tai xảy ra ở miền núi như trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét… rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tác động nặng nề lên môi trường sống của người dân.
Dẫn chứng gần đây, năm 2020 đã xảy ra thảm họa trượt lở, lũ bùn đá ở khu vực Trà Leng, Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm 67, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 và các tỉnh miền Trung, tập trung ở Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Gần đây nhất, ngày 2 - 3/10/2022, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén thuộc huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Những hiện tượng thiên tai này thường liên quan chặt chẽ đến các hình thái thời tiết cực đoan (cường độ mưa cao bất thường, tập trung thời gian ngắn; hoặc mưa với thời gian dài và cường độ cao, có thể xảy ra sau một thời gian nắng nóng và khô hạn kéo dài); hoặc mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn, hoặc ngược lại. Tác nhân từ thời tiết cực đoan đã gây ra chuỗi loại hình tai biến như trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá xuất hiện tại miền núi Việt Nam, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung. Thiên tai ngày càng gia tăng về quy mô, cường độ và tính khó lường.
PV: Trước yêu cầu đặt ra về các giải pháp chủ động ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ông nhận định như thế nào về vai trò và tính hiệu quả của việc xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét?
TS. Đỗ Minh Hiển: Thành lập hệ thống bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét là một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong mục tiêu giảm thiểu rủi ro và phòng chống thiên tai. Việc này hỗ trợ đắc lực trong công tác quy hoạch của địa phương, đưa ra các biện pháp phòng chống và ứng phó phù hợp với từng loại hình thiên tai nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản, góp phần phát triển ổn định kinh tế - xã hội.
Lưu vực có khả năng xảy ra trượt sâu, gây ảnh hưởng đến hơn chục hộ dân gần đó và một điểm trường tại bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. |
Việc xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ các loại hình tai biến có vai trò quan trọng trong bài toán quy hoạch địa phương, làm cơ sở đề xuất các biện pháp phòng chống, giảm thiểu rủi ro và đưa ra các kịch bản ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Chính vì vai trò quan trọng đó, mục tiêu thành lập các bản đồ phân vùng nguy cơ tai biến ở tỷ lệ lớn (từ tỷ lệ 1:10.000 đến lớn hơn) với mức độ dự báo chính xác hơn là một bước tiếp cận đúng đắn và cấp thiết.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả từ các kết quả của bản đồ, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải xây dựng bộ dữ liệu liên quan đến tác nhân khống chế hay kiểm soát các loại hình tai biến này. Chính vì vậy, việc lựa chọn các phương pháp, kỹ thuật, mô hình cũng như bộ dữ liệu liên quan đến các tác nhân chính gây trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét cần ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, để thu thập các số liệu liên quan đến các yếu tố kích hoạt như lượng mưa và sự thay đổi về mực nước ngầm (áp suất nước lỗ rỗng), việc đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc, thu thập, xử lý, phân tích các dữ liệu này là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, các yếu tố hình thái địa hình địa mạo, độ dốc sườn cũng như yếu tố liên quan đến hoạt động của con người là thảm phủ/đất sử dụng cũng cần được thu thập, xử lý và phân tích ở tỷ lệ chi tiết để đảm bảo chất lượng của các bản đồ phân vùng nguy cơ tai biến.
PV: Ngoài việc lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét, theo ông, cần triển khai những biện pháp gì để công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đặc biệt là các loại hình thiên tai nói trên ngày càng hiệu quả, thực chất?
TS. Đỗ Minh Hiển: Sau công tác phân vùng sẽ là xây dựng các trạm cảnh báo sớm tai biến. Chính vì vậy, bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét sẽ định hướng về mặt lựa chọn vị trí lắp đặt các khu vực cảnh báo sớm thiên tai. Các vị trí này phải được lựa chọn theo tiêu chí là lưu vực có tiềm năng xuất hiện đa thiên tai (tổ hợp các tai biến xảy ra: trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét) hoặc là vị trí có nguy cơ cao xảy ra một trong các loại hình thiên tai này, có khả năng cao ảnh hưởng đến các yếu tố chịu rủi ro như: khu vực dân cư, hành chính, công trình trọng điểm…
Các trạm giám sát và cảnh báo sớm sẽ tùy thuộc vào mục đích cảnh báo cũng như điều kiện kinh tế của địa phương để lắp đặt các thiết bị cảnh báo như: Camera giám sát; các thiết bị thu nhận dữ liệu: thiết bị đo mưa, thiết bị đo chuyển dịch, thiết bị căng kế, thiết bị đo mực nước ngầm (thay đổi áp suất nước lỗ rỗng), độ ẩm đất; hệ thống điểu khiển trung tâm; hệ thống truyền tin…
Việc đầu tư sản xuất các trang thiết bị cảnh báo sớm và nội địa hóa các thiết bị này cũng cần được tập trung nghiên cứu nhằm mục đích giảm giá thành và chủ động trong khâu cung cấp thiết bị cho các trạm giám sát, cảnh báo sớm.
Cuối cùng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở các khu vực miền núi, nơi thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai để hỗ trợ chia sẻ thông tin, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ nhằm tăng tính ứng dụng, đảm bảo hiệu quả sử dụng của bản đồ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin