Người dân khổ vì quy hoạch “treo”

Nguyễn Lê 09:11, 26/08/2022

Không thể bán, mua, sang nhượng, không được cấp phép xây dựng công trình kiên cố, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cho dù người dân đang sử dụng đất “chính chủ”, hợp pháp chỉ bởi vướng quy hoạch suốt thời gian dài. Đó là tình cảnh chung mà nhiều hộ dân thuộc 2 xóm: Tân Tiến và Thống Nhất, xã An Khánh (Đại Từ), không ít lần phản ánh lên các cấp có thẩm quyền.

Khu vực quy hoạch xây dựng Nhà máy vật liệu siêu nhẹ An Khánh.
Khu vực quy hoạch xây dựng Nhà máy vật liệu siêu nhẹ An Khánh.

Xây dựng gia đình từ năm 2009 rồi được bố mẹ tách thửa, chia cho 3.000m2 đất để làm nhà, thế nhưng gia đình anh Lê Thành Tâm ở xóm Thống Nhất vẫn chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do nằm trong vùng quy hoạch. Không chỉ gây tâm lý bất an, điều này còn khiến anh gặp khó trong phát triển kinh tế.

Anh Tâm cho biết: Vợ chồng tôi không có ruộng để cày cấy, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc chăn nuôi gà và trồng cây ăn quả. Để mở rộng quy mô sản xuất, tôi muốn vay thêm ngân hàng một chút vốn, song ngân hàng nào cũng từ chối do tài sản duy nhất có thể đem thế chấp vay vốn là diện tích đất đang sử dụng lại chưa có “sổ đỏ”. Tôi đã nhiều lần làm thủ tục và gặp cán bộ địa chính xã để được tư vấn, nhưng đều không thành với lý do đất nhà tôi nằm trong vùng quy hoạch.

Ngoài gia đình anh Tâm, xóm Thống Nhất còn có trên 30 hộ bị vướng bởi lý do tương tự, đó là diện tích thổ cư, đất sản xuất nằm trong vùng quy hoạch. Còn tại xóm Tân Tiến cũng có trên 20 hộ trong tình trạng này.

Ông Trần Văn Khải, Trưởng xóm Tân Tiến, cho biết: Nhiều năm qua, đời sống của người dân trong vùng quy hoạch gặp khó khăn. Thương mại - dịch vụ chậm phát triển vì các hộ dân nằm sát đường liên xã đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy không được cơi nới, sửa sang nhà ở, hàng quán, xây dựng công trình kiên cố. Toàn bộ nhà ở hai bên đường đều xây dựng đã lâu, nay đã cũ kỹ, những nơi đất trống cũng không thể xây nhà mới.

Làm cách nào để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là trăn trở nhiều năm nay của gia đình ông Từ Văn Lai ở xóm Tân Tiến. Ông Lai chia sẻ: Sau khi được hỗ trợ, đền bù do nằm trong khu vực xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh, năm 2009, gia đình tôi mua đất, xây nhà tại xóm và mua thêm một thửa đất cách đó 10m. Thế nhưng suốt hơn 10 năm qua gia đình tôi vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Con trai tôi đã lấy vợ 7 năm cũng không thể tách ra bởi không có “sổ đỏ”, không được cấp phép xây dựng nhà. Tôi đã ý kiến nhiều lần tại các buổi họp xóm, tiếp xúc cử tri nhưng đều được trả lời rằng đất trong vùng quy hoạch, không thể giải quyết.

Nhiều hộ khác có nhà ở xây dựng đã lâu, xuống cấp, song cũng không thể sửa chữa. Một số hộ có đất sản xuất kém hiệu quả muốn chuyển đổi mục đích sử dụng cũng không thể thực hiện. Tài sản lớn nhất của gia đình là mảnh đất không được công nhận quyền sở hữu bằng giấy tờ khiến người dân luôn trong tâm trạng lo lắng, bất an.

Ông Vũ Minh Luyện, cán bộ địa chính xã An Khánh, thông tin: Khu vực này nằm trong quy hoạch Cụm công nghiệp An Khánh, quy hoạch Nhà máy vật liệu xây dựng siêu nhẹ An Khánh có tổng diện tích trên 10ha, thuộc địa phận xóm Thống Nhất và Tân Tiến. Trong quá trình giải quyết các thủ tục, đặc biệt là trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của người dân. Chúng tôi đã tham mưu cho xã đề nghị cấp, ngành liên quan giải quyết vấn đề này…

Liệu dự án Nhà máy vật liệu xây dựng siêu nhẹ An Khánh có được thực hiện và đến khi nào người dân mới có thể ổn định cuộc sống là những câu hỏi người dân đang chờ lời giải đáp của chính quyền và cơ quan hữu quan.


Từ khóa:

Đại từ

An Khánh

quy hoạch treo