Hiện nay, việc lợi dụng người nổi tiếng, sử dụng các danh hiệu như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần dược” để quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường… trên các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đáng nói, không ít sản phẩm quảng cáo chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. Thực trạng này đã và đang gây bất an dư luận, nguy hại cho sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng.
Một quảng cáo thuốc xuất hiện trên Youtube. Ảnh: Internet |
Những năm gần đây, do thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, nên hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng ngày càng phong phú, đa dạng. Tình trạng vi phạm quy định về quảng cáo trở nên phổ biến.
Không ít đối tượng đã “thần thánh hóa” các dạng thuốc, thực phẩm chức năng, coi nó như “thần dược” trị bách bệnh và đưa lên rất nhiều kênh, gồm cả website và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Yuotube… nhằm lừa gạt người tiêu dùng.
Nhiều trường hợp còn mạo danh, mượn hình ảnh của bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế để tăng niềm tin cho người dùng. Cá biệt, có trường hợp còn cung cấp số điện thoại tổng đài giả mạo bệnh viện uy tín để quảng cáo.
Thực tế, có nhiều người do ít thông tin, thiếu cảnh giác đã bỏ ra khá nhiều tiền để mua sản phẩm giả để rồi “tiền vẫn mất, tật vẫn mang”. Theo các chuyên gia y tế, bài học về việc tin theo thuốc, thực phẩm chức năng quảng cáo trên mạng mà không đến cơ sở y tế, bỏ lỡ thời điểm vàng trong điều trị của bệnh nhân vẫn luôn mới.
Để ngăn chặn và phòng ngừa thực trạng này, Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành trong cả nước đã và đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nắm rõ bản chất của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ chứ không có tác dụng điều trị bệnh.
Vì thế, người dân cần thận trọng, không nên mua dược phẩm không rõ nguồn gốc, quảng cáo trá hình trên mạng xã hội; cần thường xuyên theo dõi các thông tin, khuyến cáo chính thức của ngành Y tế để không sửa dụng phải các sản phẩm quảng cáo sai sự thật, nguy hại đến sức khỏe. Khi có bệnh hoặc muốn dùng thực phẩm chức năng cần phải được bác sĩ kiểm tra, tư vấn cụ thể.
Mặt khác, các lực lượng chức năng tăng cường biện pháp xử lý các trang mạng xã hội, các nền tảng quảng cáo cho đăng thông tin về thuốc, thực phẩm chức năng thiếu chính xác, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép. Quản lý chặt điều kiện cho phép mở trang web, tên miền hoạt động, kịp thời đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền khi phát hiện vi phạm. Tăng cường điều tra, khám phá, xử lý các đường dây, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng trái phép, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng… để toàn dân được biết, phòng tránh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin