Đường dây nóng của Báo Thái Nguyên nhận được phản ánh của một số người dân về việc họ gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng nhưng sau đó lại bị biến thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ.
Chị Lê Quỳnh Anh ở phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) phản ánh: Tháng 2-2022, chị đến Ngân hàng Tiên Phong – TPBank Thái Nguyên để cài lại mật khẩu giao dịch. Nhân viên ngân hàng tên Huệ Chi thao tác xong thấy trong tài khoản của chị có 35 triệu đồng nên tư vấn cho chị gói tiết kiệm liên kết với lãi suất 8,3%/năm. Theo lời chị Chi, nếu mỗi năm gửi 35 triệu đồng, sau 7 năm rút cả gốc lẫn lãi là hơn 300 triệu đồng. Còn sau 5 năm rút 50% tổng số tiền đóng thì lãi suất vẫn như vậy. Khi tham gia gói tiết kiệm này, khách hàng được tặng 1 triệu đồng, kèm tiền viện phí mỗi lần ở viện 500 nghìn đồng/ngày, chẳng may tử vong sẽ được chi trả 1,4 tỷ đồng.
Mẹ con chị Lê Quỳnh Anh gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TPBank Thái Nguyên nhưng bị biến thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ. |
Do là sinh viên, lần đầu được tư vấn gửi tiết kiệm nên chị Quỳnh Anh dù chưa hiểu kỹ nhưng đã tin tưởng ký vào giấy hợp đồng chị Chi đưa mà không đọc. Sau khi nộp tiền xong, chị Quỳnh Anh ra về chờ lời hẹn gửi hợp đồng tiết kiệm online của nhân viên ngân hàng nhưng mãi không thấy.
Đến nay, số tiền tiết kiệm chị Quỳnh Anh đã đóng qua hình thức chuyển khoản là 48 triệu đồng. Thời gian gần đây, biết được thông tin nhiều người gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị biến tướng thành mua bảo hiểm nhân thọ, chị Quỳnh Anh mới hốt hoảng kiểm tra hợp đồng bảo hiểm mà nhân viên nói tặng kèm thì phát hiện số tiền mình gửi tiết kiệm đã biến thành bảo hiểm nhân thọ.
Trao đổi với phóng viên, chị Quỳnh Anh cho biết: Tôi chỉ là một sinh viên, chi tiêu phụ thuộc gia đình nhưng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Sunlife lại ghi nghề nghiệp là kinh doanh tự do và bất động sản, với thu nhập hàng năm là 500 triệu – 1 tỷ đồng (phần kê khai này nhân viên ngân hàng tự ý ghi). Đồng thời, trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ gửi cho tôi qua Zalo mới đây, chữ ký phần tên tôi là scan chứ không phải tôi trực tiếp ký. Hơn nữa, mẹ tôi là tư vấn viên bảo hiểm Prudential, đã mua cho tôi và gia đình nhiều gói bảo hiểm nhân thọ nên tôi không có nhu cầu mua thêm.
Phần kê khai về thu nhập và số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của gia đình chị Quỳnh Anh sai sự thật. |
Bà Vũ Thị Thúy Ngân, mẹ của chị Lê Quỳnh Anh, cho biết: Nắm được sự việc của con, tôi đã đến tìm chị Huệ Chi nhân viên Ngân hàng TPBank Thái Nguyên nhưng chị này đã nghỉ việc. Chúng tôi đã có đơn khiếu nại gửi Ngân hàng TPBank Thái Nguyên và Công ty Bảo hiểm Sunlife, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết…
Không riêng trường hợp của chị Lê Quỳnh Anh nói trên, thời gian qua, chúng tôi nhận được thông tin của không ít khách hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng là nạn nhân của việc “đánh tráo khái niệm” giữa gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm nhân thọ.
Trường hợp của chị Hoàng Diệu Linh (xã La Hiên, Võ Nhai) là một ví dụ. Ngày 23/3/2022, chị Linh đến Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chi nhánh Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên. Khi trao đổi với nhân viên ngân hàng về việc đáo sổ và gửi lại tiết kiệm 30 triệu đồng, chị Linh được giới thiệu gặp chị Trần Thị Thùy Ninh.
Chị Ninh có tư vấn kênh đầu tư với lãi suất năm đầu là 10%, mỗi năm gửi 30 triệu đồng, trong 5 năm lãi suất năm tiếp theo sẽ cao hơn. Ngoài ra, khi tham gia gói 30 triệu đồng, chị Linh sẽ được tặng 1 triệu đồng, kèm một gói bảo hiểm sức khỏe nếu phải nằm viện.
Chị Hoàng Diệu Linh mệt mỏi khi sắp đến ngày sinh, chỉ mong nhận lại số tiền đã gửi tiết kiệm từ ngân hàng. |
Tin lời nhân viên tư vấn, nghĩ đây là một sản phẩm đầu tư của Ngân hàng Hàng Hải nên chị Linh đồng ý tham gia. Đến tháng 4-2022, cầm tờ tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, chị Linh vẫn tưởng là sản phẩm tặng kèm gói đầu tư của mình nên không quan tâm và mang về cất. Gần đây, biết được tiền mình gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị biến thành mua bảo hiểm nhân thọ với số tiền hơn 30 triệu đồng, chị Linh đã có đơn khiếu nại gửi Ngân hàng và Công ty Bảo hiểm Prudential.
Đang mang thai tháng cuối, với vẻ mặt đầy mệt mỏi, chị Linh trao đổi với phóng viên, thể hiện sự bức xúc: Tôi hoàn toàn bị lừa tham gia bảo hiểm nhân thọ. Thông tin của tôi trong hồ sơ bị tư vấn viên ngân hàng tự ý kê khai sai sự thật. Tôi đang là nhân viên Telesale của Viettel, mức lương 8 triệu đồng/tháng nhưng chị Ninh lại ghi thu nhập là 20 triệu đồng. Thêm nữa, tôi đã tham gia bảo hiểm nhân thọ AIA nên không có nhu cầu và khả năng tài chính tham gia một hợp đồng khác. Rõ ràng, nhân viên tư vấn đã lợi dụng uy tín của ngân hàng để đánh vào lòng tin khách hàng, tư vấn không đầy đủ, trung thực để trục lợi cho bản thân. Tôi đề nghị Công ty Bảo hiểm Prudential và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam dừng hợp đồng và trả lại 100% số tiền tôi đã nộp. Số tiền này tôi vất vả dành dụm để sinh con…
Chị Hoàng Diệu Linh là nhân viên Telesale của Viettel, mức thu nhập bị nhân viên tư vấn tự kê khai là 20 triệu đồng. |
Phóng viên tiếp tục liên hệ với một số trường hợp khác gửi tiết kiệm ngân hàng bị biến thành mua bảo hiểm nhân thọ. Họ đều có điểm chung là mong nhận được lãi suất cao từ gói đầu tư tiết kiệm do nhân viên ngân hàng giới thiệu, lầm tưởng hợp đồng bảo hiểm là sản phẩm tặng kèm khi gửi tiết kiệm.
Đáng chú ý, trong các hợp đồng bảo hiểm họ nhận, phần kê khai sức khỏe, thu nhập đều không đúng thực tế. Hiện, có rất ít trong số này đã được phía ngân hàng liên quan giải quyết thỏa đáng, trả lại số tiền gửi. Còn phần đa, trong đó có trường hợp chị Linh, chị Quỳnh Anh nói trên dù đã có đơn khiếu nại gửi tới các ngân hàng và công ty bảo hiểm liên quan song đều chưa được giải quyết.
Chúng tôi đã liên hệ với phía Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chi nhánh Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên và TPBank Thái Nguyên về nội dung khiếu nại của khách hàng, nhưng đại diện hai ngân hàng đều trả lời không có quyền phát ngôn; đồng thời cho biết đã nắm được thông tin và đang gửi nội dung về hội sở ở Hà Nội để xác minh, giải quyết.
Báo Thái Nguyên sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin