Nam Hòa nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường

P.V 08:35, 02/11/2022

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và địa phương đã vào cuộc quyết liệt xử lý. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (chủ nguồn thải) được đẩy mạnh nên tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước ở Nam Hòa đã có chuyển biến rõ rệt…

Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên thường xuyên thực hiện tưới đường để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khói bụi ở khu vực trong và ngoài Nhà máy.
Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên thường xuyên thực hiện tưới đường để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khói bụi ở khu vực trong và ngoài Nhà máy.

Trước đây, xã Nam Hòa là một điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do các hoạt động khai thác khoáng sản; lưu lượng xe tải chở khoáng sản chạy qua tuyến Quốc lộ 17 (ĐT.269 trước đây) khiến tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi có phương tiện giao thông chạy qua là bụi cuốn mù mịt. Ngoài ra, chất thải do hoạt động chăn nuôi có quy mô tương đối không được xử lý đảm bảo… 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn xã Nam Hòa và khu vực giáp ranh có 4 đơn vị khai thác và chế biến khoáng sản nên phát sinh nguồn thải, có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Do hoạt động tuyển rửa của Mỏ sắt Cây Thị nên suối Thác Lạc - Ngàn Me chảy qua xã bị ô nhiễm. Nhưng từ cuối năm 2020, tỉnh đã kiểm tra và kiên quyết xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của đơn vị này nên tình trạng ô nhiễm ở suôi Ngàn Me đã giảm. Còn lại, phần lớn các đơn vị đều quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. 

Chị Lê Lan Hương, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (có địa chỉ ở xã Nam Hòa) cho biết: Để xử lý khói bụi, đầu năm 2019, đơn vị đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi theo công nghệ tiên tiến. Với hệ thống này, toàn bộ khói bụi trong quá trình luyện thép được thu qua ống khói và được phun sương để cô đọng lại thành bùn và đem đi tái chế. Bể lắng và chứa nước thải của đơn vị cũng được xây dựng lại, đảm bảo không để tràn ra suối, ruộng của bà con. Đơn vị cũng đầu tư xe phun nước rửa đường từ khu vực Nhà máy ra đến Quốc lộ 17 nên tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy được cải thiện, cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của những hộ dân sinh sống gần nhà máy…

Ngoài ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản, một số trang trại chăn nuôi trên địa cũng từng để ra xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau khi được nhắc nhở, tuyên truyền, thậm chí bị xử phạt ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây đã được nâng lên…

Đi thăm trang trại của ông Lê Anh Thực (chủ trang trại chăn nuôi lợn, chim bồ câu) ở xóm Ngòi Chẹo, chúng tôi thấy không có mùi hôi thối bốc ra từ chất thải chăn nuôi. Ông Thư cho biết: Trang trại chăn nuôi của gia đình được xây dựng cách đây hơn chục năm, với quy mô hàng trăm con nên lượng chất thải phát sinh rất nhiều. Khi xây dựng không đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo nên để phát sinh mùi hôi thối, nước thải chảy ra ngoài đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. Nhưng được chính quyền địa phương tuyên truyền, năm 2016, chúng tôi đã đầu tư gần 200 triệu xây dựng 3 bể biogas, đảm bảo xử lý toàn bộ lượng chất thải của gần 200 con lợn và 2.000 đôi bồ câu. Còn ông Đỗ Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Tại xã có gần chục trang trại, hầu hết các trạng trại xây dựng được hệ thống xử lý chất thải cơ bản đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng nhiều đến người dân sinh sống ở xung quanh.

Có thể thấy, ô nhiễm môi trường ở xã Nam Hòa đã được cải thiện, song để duy trì, bảo vệ môi trường bền vững, hiệu quả thì cần tiếp tục có sự chung tay, trách nhiệm của cả người dân và doanh nghiệp…