Làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ: Nói đi đôi với làm

03:26, 09/12/2007

Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người Việt Nam đẹp nhất, tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức và khí phách của Đảng ta và dân tộc ta.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên bằng lời nói, bằng lý luận mà còn bằng chính tấm gương sống của bản thân mình.

Di sản vĩ đại nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, đó là tư tưởng và tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí và nhân cách của dân tộc. Trong di sản quý giá ấy, một chuẩn mực và nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng là “Nói đi đôi với làm”.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Hơn nữa, Người nói ít, nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm. Phải đi sâu tìm hiểu những hành vi đạo đức của Bác, chúng ta mới thấy được những ý nghĩa của sự thống nhất giữa lời nói và việc làm.

Cả cuộc đời của Người là một bằng chứng cảm động, một tấm gương tuyệt vời về sự thống nhất giữa lời nói và việc làm. Năm 1945, khi vừa giành được chính quyền, Người kêu gọi mọi người tăng gia tiết kiệm để cứu đói cho nhân dân: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo". Và chính Người thực hiện trước: Mỗi bữa ăn bớt một nắm gạo và cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lập “Hũ gạo cứu đói”. Rồi những năm tháng Bác sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Bác đề nghị, chiều thứ bảy hằng tuần để Bác ăn cháo, bớt đi một chút khẩu phần gạo góp cho người nghèo. Khi đất nước khó khăn, đời sống của nhân dân còn nghèo khó, mọi người ăn cơm độn khoai, sắn, Bác nói với cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy. Khi về thăm các địa phương, Bác mang cơm nắm với muối vừng để tiết kiệm tiền gạo cho nhân dân. Khi dùng bữa không bao giờ Bác để rơi một hạt cơm. Bác thường nói với mọi người, một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân.

Người khuyên cán bộ phải có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính, nếu thiếu một đức thì không thành người; phải thật sự là “công bộc” của nhân dân, thì chính Người làm gương, sống giản dị, thanh bạch. Trong chi tiêu, Bác rất tiết kiệm và tiết kiệm đúng mức. Người có sổ tiết kiệm nhưng không bao giờ sử dụng cho riêng mình, mà đến dịp Tết đến, Người đem chia cho các cơ quan mua lợn để đón xuân. Mùa hè nắng nóng, Người cho bộ đội trực phòng không để mua nước ngọt uống. Là Chủ tịch Ðảng, Chủ tịch nước, nhưng Bác Hồ ở nhà sàn, đi dép lốp, mặc áo vải đơn sơ, dùng ôtô cũ.

Bác còn dạy chúng ta "Làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước", và Người nêu tấm gương sống chân thành, khiêm tốn. Vào dịp sinh nhật của mình, Người thường tìm cách vắng nhà để tránh việc mọi người đến chúc thọ, tặng quà. Bác làm việc này để thực hiện điều Người dặn các cơ quan, các địa phương là vào dịp sinh nhật của Người không tổ chức kỷ niệm, chúc thọ Người để tránh lãng phí thời giờ, tiền bạc. Bác khuyên mọi người sống trong sạch, không tham lam, không tham tiền tài danh vọng, và Bác đã làm những việc để cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền làm theo. Trong một lần Bác tới thăm Xí nghiệp may 10, xí nghiệp có gửi biếu Bác bộ quần áo, Bác nhận và sau đó Bác gửi thư cảm ơn: "Cảm ơn các cô các chú đã biếu Bác bộ quần áo, Bác đã nhận rồi. Nay Bác gửi bộ quần áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua".

Trong cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ đặt cái tôi lên lợi ích của đất nước, của dân tộc. Người chỉ ôm ấp một ước nguyện: "Tôi hiến dâng cả đời tôi cho dân tộc tôi, đó là tất cả những gì tôi cần, tất cả những gì tôi muốn", để "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Vâng, những câu chuyện về việc thống nhất giữa nói và làm của Bác Hồ đã cho chúng ta cảm nhận sâu sắc một điều: Chuyện nhỏ đức lớn hài hòa ở một con người, một tấm gương trong sáng, toàn vẹn đến tuyệt vời. “Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch chẳng vàng son/Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang tiến hành công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Bên cạnh những yếu tố tích cực, mặt trái của cơ chế thị trường đã có tác động nhất định đến đạo đức lối sống, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, tham nhũng, lãng phí, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít,... gây bất bình trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước.

Đặc biệt, căn bệnh nói không đi đôi với làm còn khá phổ biến ở nhiều nơi và ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Không ít cán bộ, đảng viên đứng trước quần chúng nói rất hay về lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, về thái độ công tâm trong công việc, trong nhận xét, đánh giá cán bộ, về tinh thần phục vụ nhân dân... nhưng chính họ lại tham ô, tham nhũng, độc đoán, cục bộ địa phương, sa đọa... làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với Đảng, gây hoài nghi trong xã hội.

Sinh thời, Bác đã dạy: Một tấm gương sống có giá trị bằng một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đây là một dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta khắc phục căn bệnh nói không đi đôi với làm. Muốn vậy mỗi cán bộ, đảng viên khi nói phải nghĩ đến làm, có làm được thì mới nói, làm rồi mới nói, nói ít làm nhiều, thậm chí làm hết lòng, làm tận tụy mà không nói. Mỗi cán bộ, đảng viên và gia đình của mình phải là tấm gương trong xã hội về cuộc sống trong sạch, liêm khiết.

Với tất cả lòng kính yêu Bác, với tình những tình cảm đạo đức cách mạng mà Bác đã dạy chúng ta, chúng ta hãy làm cho cuộc sống hôm nay tươi đẹp hơn, đáng yêu hơn, ý nghĩa hơn bằng chính những hành động cụ thể của mình./.