Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM-7)

13:49, 23/10/2008

Hôm nay (24-10), sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 7 (ASEM-7) tổ chức tại Bắc Kinh - Trung Quốc. Gần 40 vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ tham dự ASEM-7.

 

 ASEM-7 diễn ra khi tình hình thế giới có những biến động phức tạp. Kinh tế thế giới ở vào thời kỳ khó khăn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-1998. Giá dầu và giá lương thực tăng cao ảnh hưởng không thuận tới đời sống kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia. Thách thức do các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, đòi hỏi sự phối hợp giải quyết của cộng đồng quốc tế.

 

 

Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ thông tin- Truyền thông ASEM tháng 12/2006 tại Hà Nội (ảnh VOVnews)

 

Mối đe doạ khủng bố, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc ở một số nơi tiếp tục diễn biến căng thẳng. Trong bối cảnh đó, ASEM-7 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề này, tìm ra biện pháp tăng cường sự hợp tác giữa hai châu lục nhằm giải quyết khó khăn theo cách thức phù hợp với lợi ích chung của các nước thành viên ASEM và cộng đồng quốc tế - đúng như chủ đề của Hội nghị là: “Tầm nhìn và hành động: Hướng tới một giải pháp cùng có lợi”.

 

Hơn 10 năm qua, kể từ khi chính thức được thành lập theo sáng kiến của Singapore (tháng 3/1996), tiến trình hợp tác Á - Âu (ASEM) phát triển khá năng động. Hiện nay, quan hệ thương mại giữa hai khu vực này chiếm gần 45% thương mại toàn cầu và các nước thành viên ASEM cũng chiếm hơn 50% GDP toàn cầu.

 

Diễn đàn này còn trở thành cầu nối quan trọng cho các cộng đồng kinh doanh Á - Âu, các nghị viện, các tổ chức phi chính phủ. ASEM còn trở thành một khuôn khổ đối thoại và hợp tác liên khu vực quan trọng, tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác toàn diện Á - Âu cũng như hợp tác song phương giữa các thành viên. Từ ASEM-5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2004 và ASEM-6 tại Helsiki, Phần Lan tháng 9/2006 đến nay, nhiều cam kết của các vị lãnh đạo đã được thực hiện khá hiệu quả.

 

Tuy nhiên, ASEM vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó, hợp tác giữa các nước thành viên phải thực chất và hiệu quả hơn, ASEM cần có vai trò nhiều hơn và có trọng lượng hơn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Đặc biệt, ASEM phải đủ mạnh để ứng phó và giảm thiểu những tác động xấu của thiên tai, của những cuộc khủng hoảng – như khủng hoảng ngân hàng, tài chính mang tính toàn cầu hiện nay. Vì thế, ASEM-7 có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp các nước thành viên kịp thời điều chỉnh phương hướng hành động nhằm xây dựng một tầm nhìn thiết thực và hiệu quả hơn. Đây cũng là diễn đàn giúp ASEM tạo dựng sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai châu lục nhằm duy trì hoà bình, ổn định và phát huy các điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 

Là một trong những nước thành viên sáng lập, Việt Nam luôn coi trọng và tham gia tích cực vào hợp tác ASEM. Sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEM-7 là thực tế sinh động khẳng định Việt Nam luôn tích cực đóng góp và chủ động thúc đẩy hợp tác ASEM trên cả 3 lĩnh vực: đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hoá xã hội. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng sẽ có bài phát biểu tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hoá giữa các nước thành viên và khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với các sáng kiến của một số nước thành viên về phối hợp hợp tác văn hoá, an ninh lương thực và những ứng phó đối với biến đổi khí hậu... Đây sẽ là những đóng góp thiết thực, góp phần vào thành công của Hội nghị Cấp cao ASEM - giúp cho tiến trình hợp tác Á - Âu thực sự trở thành quan hệ đối tác toàn diện, bền vững vì hoà bình, phồn vinh, trên tinh thần đi vào ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau giữa các nước thành viên.