Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không thể đưa ra quyết định cuối cùng đối với việc hoãn, giãn thuế thu nhập cá nhân. Vì thế, Ủy ban này đã thống nhất ba phương án trình lên Bộ Chính trị, trước khi đưa ra Quốc hội quyết định.
Trước mắt, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn triển khai bình thường từ 1/1/2009 như theo qui định của luật.
Chưa thể quyết hai phương án của Chính phủ
Phương án 1: Hoãn thời điểm áp dụng luật 6 tháng hoặc 1 năm. Trong thời gian hoãn thi hành luật vẫn tiếp tục áp dụng Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, đồng thời giảm 30% số thuế phải nộp theo Pháp lệnh thuế thu nhập trong năm 2009.
Phương án 2: Miễn thuế TNCN năm 2009 đối với thu nhập từ đầu tư vốn, gồm thu nhập từ cổ tức, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng vốn góp và tiền lãi cho vay. Đồng thời giảm 30% thuế TNCN đối với hộ gia đình và cá nhân sản xuất kinh doanh trước đây thuộc diện phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng từ 1/1/2009 chuyển sang nộp thuế thu nhập cá nhân. Thời gian miễn, giảm thuế là 1 năm.
Với phương án 1, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, sửa đổi qui định về hiệu lực thi hành nghĩa là sửa đổi Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền. Thứ hai, không thể tiếp tục áp dụng Pháp lệnh Thuế thu nhập cao vì Luật Thuế thu nhập cá nhân đã qui định rõ việc bãi bỏ Pháp lệnh này.
Với phương án 2, Quốc hội không giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh, miễn giảm thuế nên Thường vụ không thể quyết định việc này… Thêm nữa, trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động như hiện nay, ngoài lĩnh vực chứng khoán, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề khác cũng gặp không ít khó khăn. Việc chỉ miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn sẽ dẫn đến không bình đẳng đối với người sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực khác.
Với việc Thường vụ Quốc hội không thể quyết định các đề xuất của Chính phủ, giải pháp nào để thực hiện các phương án đã nêu cũng như tìm thêm phương án mới đã được đặt ra.
Thêm phương án 3: Giãn thuế 10 tháng
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển đề nghị, trước mắt vẫn thực hiện luật từ đầu năm tới, vẫn cho kê khai, nhưng cho chậm nộp 6 tháng, đến kì họp tới của Quốc hội (tháng 5/2009) sẽ xin ý kiến Quốc hội và nếu Quốc hội đồng ý sẽ thực hiện miễn 6 tháng đó. Nhưng theo ông Hiển, trong trường hợp miễn không thực hiện riêng cho một số đối tượng mà thực hiện với tất cả.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Tòng Thị Phóng nêu quan điểm, chỉ còn 4 ngày nữa là đến thời điểm có hiệu lực của luật nên việc đưa ra một quyết định hoãn, giãn là rất khó. Bà Phóng đưa ra hai phương án, trong đó phương án 1 trùng với ý kiến của ông Hiển, cho đối tượng phải nộp nợ đến kì họp tới của Quốc hội.
Phương án 2, theo bà Phóng vẫn thực hiện triển khai một cách hoàn toàn bình thường và kì họp tới, Quốc hội quyết định như thế nào sẽ thực hiện theo như vậy.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên “chốt” lại 3 phương án để Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trình xin ý kiến Bộ Chính trị trong tháng 1/2009, trước khi đưa ra Quốc hội quyết định.
Trong đó, phương án thứ nhất là vẫn áp dụng Luật từ 1/1/2009, thực hiện giãn nộp thuế, nhưng không phải 6 tháng mà 10 tháng cho tất cả các đối tượng. (Bộ trưởng Tài chính, Vũ Văn Ninh có ý kiến, giãn 10 tháng là dài và trong trường hợp thực hiện miễn thu 10 tháng sẽ mất thuế rất nhiều, nhưng ông Kiên cho rằng, nên để 10 tháng để có độ lùi thời gian cần thiết xem xét vấn đề).
Hai phương án còn lại là hai phương án Chính phủ đã trình với Thường vụ Quốc hội
Phát biểu cuối buổi họp, Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng tán thành với việc trình Bộ Chính trị 3 phương án trên. Ông Trọng cũng nhấn mạnh, trước mắt, Luật Thuế TNCN coi như vẫn thực hiện bình thường