Sống mãi ký ức Trường Sơn

08:54, 10/05/2009

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn và Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Báo Thái Nguyên đăng tải bút ký dài kỳ “Sống mãi ký ức Trường Sơn” của hai nhà báo Hữu Minh và Ngọc Vân. Mời quý vị và các bạn đón đọc

I. Hồi tưởng

 

Ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương thừa lệnh Bộ Chính trị thành lập “Đoàn công tác đặc biệt”, sau này gọi là Đoàn 559. Ngày 6/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh chủ trì cuộc họp liên tịch về xây dựng tuyến đường. Ngày 19-5-1959, Trung tướng giao nhiệm vụ cho Đoàn (gồm 400 người) mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn với phương châm tuyệt đối bí mật và an toàn.

 

Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh – và Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2009), chúng tôi tổ chức cuộc hành trình về với Trường Sơn. Bằng tất cả tấm lòng, chúng tôi muốn nói lời tri ân với lịch sử.

 

Cùng đi Trường Sơn với anh em làm báo chúng tôi có hơn 50 cựu chiến binh (CCB) Trường Sơn. Thời đó, cách nay đã mấy chục năm, những CCB này tuổi đời còn rất trẻ. Nghe theo tiếng gọi của đất nước, tạm biệt quê hương, gia đình và những người thân yêu, họ tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng: Cứu nước. Những người lính từng tham gia lao động, chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn năm xưa, hôm nay vẫn nóng lòng muốn được trở về thăm lại mảnh đất đã thành quê hương thứ hai của mình - nơi họ cùng đồng đội đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, sống lại những kỷ niệm không bao giờ quên, để “thắp một nén nhang cho người nằm dưới cỏ”. 

 

Rời Thái Nguyên - mảnh đất Việt Bắc Anh hùng, nơi phát tích Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - bước tạo đà cho Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, chúng tôi lên đường về với Trường Sơn huyền thoại. Hai chữ Trường Sơn đã đi vào tâm khảm, vào trái tim của những người con Việt Nam. Hai chữ ấy là biểu tượng của ý chí và lòng dũng cảm của biết bao chiến sĩ đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Máu của họ đã đổ xuống cho non sông được thống nhất, vẹn toàn, cho mỗi chúng ta có cuộc sống thanh bình, hạnh phúc ngày hôm nay.

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những cuộc chiến tranh trường kỳ, vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trong cuộc chiến đầy gian khổ và hy sinh ấy, lòng yêu nước nồng nàn, nguyện vọng thiết tha giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, bất khuất trước quân thù, lòng dũng cảm, mưu trí đã biến thành sức mạnh vô song, đã kết tinh thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam để có thể chiến thắng quân thù hung bạo, giàu mạnh bậc nhất thế giới. Trong đó, chiến trường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh khởi nguồn từ tháng 5-1959 là một chiến trường chiến đấu tổng hợp, sử dụng binh chủng hợp thành, từng bước và cuối cùng đã đánh bại vĩnh viễn cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện tàn khốc bằng không quân và bộ binh với mọi quy mô của đế quốc Mỹ và các nước chư hầu.

 

Con đường Hồ Chí Minh xuyên dọc, xẻ ngang qua dãy Trường Sơn hùng vĩ nối liền Nam - Bắc là một kỳ công trong lịch sử chiến tranh, là biểu tượng oai hùng của sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhân dân ta. Địch đã dùng trăm phương ngàn kế để chặn, đánh cơn đường ấy, nhưng huyết mạch của cuộc kháng chiến vẫn ngày càng phát triển nhanh chóng và vững chắc theo nhịp độ của cuộc chiến, để đến Mùa Xuân năm 1975 góp phần quan trọng vào thắng lợi huy hoàng: Giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, thống nhất Tổ quốc.

 

Ngày ấy, từ nhận định của Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng “Chỉ có thể giải phóng miền Nam bằng con đường bạo lực cách mạng ”, ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã cho thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt (559)”; ngày 19/5/1959, ông chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 : “Con đường quân sự đặc biệt này (đường Trường Sơn – P.V) phải mở trong thời gian gần nhất, tuyệt đối bí mật và an toàn”.

 

5 năm đầu, phương châm mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - là “xuyên sơn mà đi, cứ đỉnh núi mà soi, không được trùng với các lối mòn cũ”, như lời một câu hát trong bài ca Trường Sơn “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người”. Kỷ luật tối cao lúc đó là không để lại dấu vết, theo nguyên tắc: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, nhằm tuyệt đối giữ bí mật cho con đường có ý nghĩa sống còn với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Tất cả các lực lượng di chuyển trên con đường này đều bằng đôi chân của mình,  mang vác tư trang, đạn dược trên vai, theo phương pháp gùi thô sơ. Trong các năm tiếp theo đường được mở theo hướng cơ giới, với quy mô lớn, vận chuyển các phương tiện hiện đại cho chiến trường.

 

Trong vòng 10 năm (1965 – 1975), ước tính quân đội Mỹ đã huy động khoảng 70 vạn lượt máy bay, trong đó có B52, dội gần 4 triệu tấn bom đạn trên suốt dải núi rừng đại ngàn của tuyến đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Vượt qua muôn vàn khó khăn, mất mát, quân và dân ta trên mặt trận vận tải Trường Sơn vẫn nêu cao quyết tâm mở đường, đưa sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến nhằm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Gần 2 vạn km đường ngang dọc ở cả Đông và Tây Trường Sơn đã được hình thành, tạo ra một hệ thống cầu đường liên hoàn, vững chắc nối từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Xây dựng một tuyến đường ống xăng dầu để đưa nhiên liệu đến Bù Đăng, Lộc Ninh, đã khắc phục thác ghềnh mở trên 600km đường sông để vận chuyển hàng, xây dựng hàng vạn km đường thông tin hữu tuyến và trên 1.350 km đường dây thông tin để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ Bộ chỉ huy Chiến dịch đến các chiến trường. Hệ thống binh trạm, kho tàng, bệnh viện, cơ sở đảm bảo kỹ thuật cũng đã được xây dựng suốt dọc Trường Sơn.

 

Bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm cho trên 2 triệu lượt người và nhiều đoàn binh khí kỹ thuật lớn, trên 1 triệu tấn vũ khí đạn dược, lương thực vào chiến trường. Hàng vạn thương binh được đưa ra miền Bắc. Thanh niên Thái Nguyên cùng với thanh niên cả nước trong suốt 16 năm gian khổ bám trụ, mở đường chiến đấu đã thực hiện quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Nhiều kỳ tích đã được lập nên, tiêu biểu như: Chỉ trong 77 ngày đêm, con đường nối Đông sang Tây Trường Sơn mang số hiệu 20 đã thông xe với chiều dài hơn 100km.

 

Chiến tranh đã lùi sâu về quá khứ, nhưng huyền thoại đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm thêm truyền thống đánh giặc giữ nước của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng, dân tộc Việt Nam Ânh hùng, tiếp thêm sức mạnh cho những thế hệ tiếp nối bảo vệ và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.   

 

(Còn nữa)