Củ Chi - “Đất thép thành đồng”

17:00, 05/04/2010

Từ thủa còn thơ, tôi đã được đọc nhiều trang sách sử nói về hệ thống địa đạo nổi tiếng thế giới ở Củ Chi (ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, T.P Hồ Chí Minh), về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trên mảnh đất này trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

 

Đầu tháng 4 năm nay, trong không khí cả nước tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp đến thăm nơi này, và thêm một lần nữa được hiểu rõ hơn về vùng "Đất thép thành đồng"...

 

Địa đạo Củ Chi được bảo tồn tại khu vực Bến Dược, xã Phú Mỹ Hưng anh hùng, là một trong 3 di tích được xếp hạng đầu tiên ở T.P Hồ Chí Minh; là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

 

Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Nơi đây quả là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai. Nó mang chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù và ý chí kiên cường, bất khuất của “vùng đất thép”, một trong những biểu tượng rực rỡ của Chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam.

 

Những sự tích có thật từ địa đạo Củ Chi đã quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm ở đây, du khách tham quan sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng được kẻ thù là một nước lớn và giàu có vào bậc nhất thế giới, vì sao Củ Chi - mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân đông hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân - đã chiến thắng oanh liệt. Dựa vào hệ thống đường ngầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân xâm lược Mỹ ngay từ lần đầu vào đất Củ Chi đã gặp phải sức kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong các vùng căn cứ hiểm yếu, chúng phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”…

 

Theo những trang sử còn ghi, địa đạo có sớm nhất ở Củ Chi vào năm 1948 tại 2 xã: Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Lúc đầu chỉ có những đoạn ngắn với cấu trúc đơn giản dùng để cất giấu tài liệu, vũ khí, trù ém cán bộ hoạt động trong vùng địch hậu, về sau hệ thống địa đạo lan rộng ra nhiều xã. Từ năm 1961 đến năm 1965, cuộc chiến tranh du kích của nhân dân Củ Chi đã phát triển mạnh mẽ, gây cho địch những tổn thất lớn, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của quân Mỹ. 5 xã phía bắc huyện Củ Chi đã hoàn chỉnh đường địa đạo “xương sống”. Sau đó, các cơ quan, đơn vị phát triển các địa đạo nhánh ăn thông với đường “xương sống”, trở thành những hệ thống địa đạo liên hoàn. Bước sang thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, địa đạo Củ Chi phát triển mạnh, nhất là đầu năm 1966, khi Mỹ sử dụng sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ” thực hiện cuộc hành quân mang tên Crimp càn quét, đánh phá vùng căn cứ của ta, và tiếp theo chúng đưa sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” đến lập căn cứ Đồng Dù, liên tiếp mớ các cuộc càn quét, đánh phá ác liệt lực lượng cách mạng nơi đây. Trước sức tấn công ác liệt của Mỹ - ngụy với cuộc chiến tranh hủy diệt dã man, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và Huyện ủy Củ Chi đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang quyết tâm bám trụ chiến đấu, tiêu diệt quân địch, bảo vệ quê hương, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng mang tính chiến lược quan trọng, là hướng tiếp cận và tiến công hiểm yếu đối với thủ đô ngụy Sài Gòn.

 

Với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”, lực lượng bộ đội, du kích, các cơ quan dân chính Đảng cùng với nhân dân địa phưong ra sức thi đua đào địa đạo, chiến hào, công sự suốt ngày đêm, bất chấp đạn bom, mưa nắng, tích cực xây dựng “xã ấp chiến đấu”, thiết lập “vành đai diệt Mỹ” thành thế trận vững chắc để bao vây, tiến công tiêu hao, tiêu diệt kẻ thù. Phong trào đào địa đạo ngày càng phát triển rầm rộ, mạnh mẽ khắp nơi, trẻ già, trai gái nô nức tham gia kiến tạo đường hầm đánh giặc. Sức mạnh ý chí của con người đã chiến thắng khó khăn. Chỉ bằng những phương tiện, dụng cụ hết sức thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất bằng tre, quân và dân Củ Chi đã tạo nên công trình đồ sộ với trên 200km đường ngầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã ấp với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu. Hệ thống địa đạo chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình, có nhiều nhánh trổ ra sông Sài Gòn để khi gặp tình thế nguy kịch lực lượng của ta có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương).

 

Đường hầm không sâu lắm nhưng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn nằm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Có những đoạn được cấu trúc từ hai đến ba tầng. Chỗ lên xuống giữa các tầng có nắp hầm bí mật. Trong địa đạo có những nút chặn ở những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hoá học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp, phải thật gọn nhẹ mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi bên trên được ngụy trang kín đáo và trổ lên trên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật. Vô số cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa linh hoạt. Đây chính là chỗ bất ngờ với quân địch. Dưới những khúc địa đạo ở khu vực hiểm yếu có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy…

 

Vào thời kỳ địch đánh phá ác liệt, mọi hoạt động của lực lượng chiến đấu và sinh hoạt của nhân dân đều “âm” dưới lòng đất. Trong điều kiện gian khổ lực lượng của ta vẫn cố gắng tạo ra cuộc sống bình thường, mặc cho trên mặt đất không ngớt bom đạn cày xới, lửa khói mịt mù… Mặc dù địch đã sử dụng nhiều cách hòng tiêu diệt quân ta và phá hủy hệ thống địa đạo ở Củ Chi (như dùng nước phá địa đạo, dùng đội quân “chuột cống” đánh địa đạo, dùng chó becgie đánh hơi tìm địa đạo để đánh phá, rồi  dùng xe cơ giới ủi phá địa đạo…) nhưng chúng đều thất bại.

 

Cho tới mùa Xuân năm 1975, nhiều cánh quân lớn của ta đã tập kết ở vùng địa đạo Củ Chi rồi từ đây tiến vào giải phóng thị trấn Củ Chi và dinh lũy cuối cùng của địch tại Sài Gòn, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

 

Bằng cuộc chiến tranh nhân dân vô cùng phong phú và sáng tạo, qua 21 năm chiến đấu kiên cường chống Mỹ - nguỵ, quân và dân Củ Chi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 quân địch, phá hủy trên 5.000 xe tăng và xe thiết giáp; bắn rơi, bắn hỏng 256 máy bay các loại, bắn chìm và cháy 22 tàu, xuồng chiến đấu, phá hủy và bức rút 270 lượt đồn bốt của địch... Với những chiến công vang dội ấy, vùng đất này đã được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu: Củ Chi đất thép Anh hùng; được Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Tính đến năm 1998, toàn huyện Củ Chi được tuyên dương: 13 xã Anh hùng, 28 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, 715 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.800 người được phong dũng sĩ...

 

Để lập nên những chiến tích vinh quang này, quân và dân Củ Chi cũng đã phải chịu nhiều hy sinh to lớn: Hàng nghìn chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc; hàng nghìn người bị thương tích, 28.000 ngôi nhà bị địch đốt phá, san bằng, ruộng vườn bị hoang phế, môi trường bị hủy diệt. Chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề đối với Củ Chi, nhất là những mất mát đau thương về người và tình trạng đói nghèo trong nhiều năm sau ngày giải phóng…

 

Ngày nay, những “vùng trắng” ở Đất thép Củ Chi đã hồi sinh mãnh liệt. Trên sống lưng địa đạo năm xưa là ruộng đồng xanh tươi và những xóm làng sầm uất đông vui. Những công trình phục vụ đời sống dân sinh đang được xây dựng khỏa lấp những thương tích chiến tranh.

 

Đến Củ Chi hôm nay, cùng với tham quan hệ thống địa đạo, du khách sẽ đến viếng hương hồn các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, được ghi tên, thờ tự trong Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược Củ Chi. Hiện nay, trong Đền đã ghi danh hơn 44.700 Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Theo các đồng chí cán bộ của Ban quản lý Di tích địa đạo Củ Chi, trong những ngày tháng 4 lịch sử này,  khi cả nước đang tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi ngày có khoảng 1.200 đến 1.500 du khách đến đây tham quan, thắp hương tưởng nhớ linh hồn các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để chúng ta có đựoc cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay.

 

Củ Chi - vùng "Đất thép thành đồng" của Tổ quốc - đã trở thành là Địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau…