Để củng cố tinh thần đoàn kết liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa sự nghiệp giải phóng của mỗi nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, từ ngày 11 đến 13 tháng 3 năm 1951, tại chiến khu Việt Bắc, các đại diện của ba mặt trận: Liên Việt, Ítxalạ và Ítxarắc đã họp Hội nghị thành lập Mặt trận đoàn kết liên minh Việt - Miên - Lào.
THÁNG 2- năm 1951
Đoàn 280 quân tình nguyện Việt Nam đẩy mạnh hoạt động ở Trung Lào
Thực hiện chủ trương giúp Lào, tháng 2 năm 1951, Ban Cán sự Trung Lào và Ban Chỉ huy Đoàn 280 quân tình nguyện Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo các phân đoàn 9, 13 và 812, các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung tiến sâu vào các vùng đồng bằng, đẩy mạnh hoạt động tác chiến và gây dựng cơ sở, giúp Lào thực hiện các chủ trương, kế hoạch đề ra. Theo phương hướng đó, các đội công tác cơ sở thuộc các phân đoàn 9, 13, 812 phân tán tổ chức thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm gồm từ hai đến ba người cùng cán bộ Lào đi vào từng làng bản, thực hiện “ba cùng” với dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch.
Đối với những nơi có phong trào quần chúng rộng, các nhóm giúp Lào xây dựng, củng cố các đoàn thể Lào Ítxalạ, các tổ dân quân du kích và chính quyền cơ sở; đồng thời tổ chức học tập bồi dưỡng chính trị và quân sự tại chỗ cho cán bộ địa phương và các lực lượng vũ trang Lào; tiến hành tuần tra canh gác, sẵn sàng chống địch càn quét, giữ vững căn cứ kháng chiến. Qua những ngày lăn lộn sinh hoạt, làm công tác xây dựng cơ sở, cán bộ và chiến sĩ Đoàn 280 được nhân dân Lào yêu mến, tin cậy coi như con em của mình. Để đẩy mạnh các mặt giúp Lào hiệu quả, Ban Chỉ huy Đoàn 280 phân công lại địa bàn hoạt động. Tiểu đoàn 1 (Tiểu đoàn 364 cũ) phụ trách khu vực đường 9, chuyển xuống hoạt động ở vùng đồng bằng Lahảnặm, dọc theo đường 23 đến khu vực Kẹng Koọc. Tiểu đoàn 2 phụ trách khu vực đường 12 tiến dọc theo dải núi Phu Xăng He, hoạt động trong vùng địch kiểm soát đến cuối vùng đồng bằng huyện Mahả Xây. Theo phương châm hoạt động “kết hợp quân sự với chính trị” và vận dụng phương thức “trung đội cơ động đánh địch, tiểu đội phân tán làm công tác cơ sở” ở từng khu vực, các tiểu đoàn 1, 2 quân tình nguyện luôn hỗ trợ các phân đoàn 9, 13 và 812 đi sâu tuyên truyền gây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang ở các địa phương; đồng thời sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu chống địch càn quét, bảo vệ các khu căn cứ kháng chiến.
Chuyển cơ quan Ban Cán sự và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Lào đến căn cứ mới
Thực hiện chủ trương mới, tháng 2 năm 1951, Mặt trận Tây Lào tổ chức chuyển lực lượng cùng trang thiết bị cơ quan Ban Cán sự và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Lào đến nơi mới. Các trường, lớp (trường quân chính, các lớp đào tạo vô tuyến điện - báo vụ, cơ công, dân vận...), trạm quân y, kho cung cấp, các bộ phận chuyên môn cơ yếu, điện đài, tiếp tế, vận tải; một bộ phận công binh xưởng cũng từ Nặm Tòn chuyển tới vùng Na Khưa, Na Lưởng. Lúc này, quân số của các cơ quan, đơn vị tăng lên nhiều, nên việc ăn, ở, sinh hoạt khó khăn hơn ở Nặm Tòn, Mương Phương. Việc nuôi quân chủ yếu dựa vào nhân dân, do nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm. Đường giao thông tiếp tế từ Thái Lan sang cũng phải chuyển hướng từ đầu cầu phía tây bắc sang đầu cầu phía đông nam, quãng đường xa, có đoạn địch kiểm soát gắt gao.
Cơ quan Ban Cán sự và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Lào chuyển đến căn cứ mới chưa được củng cố bao lâu đã phải thường xuyên chống các cuộc càn quét của địch. Lúc đầu, địch chỉ càn qua các làng bản thăm dò, trinh sát rồi rút quân về đồn. Tiếp đó, chúng chuyển đến đóng quân ở cạnh các làng bản và lùng sục các khu rừng, nương rẫy, gây cho liên quân Lào - Việt một số khó khăn, tổn thất. Một số đồng chí bị địch phục kích khi vận chuyển lương thực đã anh dũng hy sinh, một số bị địch bắt. Các cơ quan, đơn vị luôn phải di chuyển địa điểm để bảo toàn lực lượng.
Từ ngày 11 đến 19 tháng 2- năm 1951
Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương
Nhằm giải quyết những yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, từ ngày 11 đến 19 tháng 2 năm 1951, Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương đã được tiến hành tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam). Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho trên 76 vạn đảng viên. Về phía quốc tế, bên cạnh đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Xiêm, có đại biểu của Miên và Lào. Đoàn đại biểu Đảng bộ Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm trưởng đoàn.
Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Báo cáo chính trị, đồng chí Trường Chinh trình bày luận cương “Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội”, đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc báo cáo “Củng cố khối đại đoàn kết để chiến thắng”, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc báo cáo “Xây dựng quân đội nhân dân, hoàn thành chiến tranh giải phóng”, đồng chí Cù Vân đọc “Báo cáo về kinh tế tài chính”.
Đại hội đã thông qua Nghị quyết “Về Báo cáo chính trị của đồng chí Hồ Chí Minh”, nêu rõ: vì điều kiện mới của Đông Dương và thế giới, ở Việt Nam đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam có Chính cương, Điều lệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Ở Cao Miên và Ai Lao, thành lập ở mỗi nước một chính đảng riêng lấy tên là Đảng Nhân dân Khơme và Đảng Nhân dân Lào. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các đồng chí và những tổ chức cách mạng Miên, Lào để lãnh đạo cuộc kháng chiến của hai dân tộc ấy giành lấy thắng lợi cuối cùng. Nội dung cụ thể của Nghị quyết về việc thành lập ở Lào, Miên mỗi nước một chính đảng riêng là:
1. Để lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở mỗi nước, để phù hợp với tình hình của hai nước ấy và tình hình trên thế giới, Đại hội đã quyết nghị thành lập ở mỗi nước một chính đảng có tính chất nhân dân gồm những người yêu nước tiến bộ nhất, hăng hái chiến đấu nhất trong hàng ngũ những người kháng chiến ở Lào, Miên. Các đồng chí người Lào, Miên sẽ đứng ra tổ chức chính đảng với sự giúp đỡ của Đảng Lao động Việt Nam, mà trực tiếp là các đảng viên hoạt động ở Miên, Lào.
2. Tính chất của Đảng ấy phải là một Đảng của giai cấp công nhân, một Đảng tiên phong, một Đảng lãnh đạo cách mạng. Phải căn cứ vào những tính chất đó và điều kiện cụ thể của mỗi nước mà định chính cương của Đảng.
3. Về tổ chức đảng phải theo nguyên tắc dân chủ tập trung, nhưng phải tùy trình độ đảng viên, điều kiện kháng chiến và lợi ích của cách mạng mà áp dụng nguyên tắc tập trung cho thích hợp.
4. Kỷ luật phải nghiêm minh và tự giác nhưng cũng phải thích hợp với trình độ đảng viên, trình độ tổ chức của Đảng.
Nghị quyết còn nêu ra một số điểm cụ thể về kế hoạch tổ chức thực hiện: tổ chức Đảng Nhân dân tốt để lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Lào - Miên. Thành lập Đảng phải đưa đến tăng cường đoàn kết thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Đảng là của tất cả các tầng lớp nhân dân, được quần chúng tín nhiệm yêu quý.
Những đồng chí Lào, Miên ở địa phương đứng ra tổ chức “nhóm sáng lập Đảng Nhân dân” hoạt động để phát triển nhóm ấy bằng cách kết nạp những chiến sĩ yêu nước, hăng hái tiến bộ nhất trong lực lượng kháng chiến... Tổ chức “nhóm sáng lập Đảng Nhân dân” phải hoạt động bí mật, khi tổ chức đã khá rộng, vững chắc để lãnh đạo mọi mặt công tác thì phải chuẩn bị triệu tập đại hội đại biểu các nhóm để chính thức thành lập Đảng Nhân dân, thông qua Chính cương, Điều lệ và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nghị quyết cũng nêu ra một số nguyên tắc và mối quan hệ giữa tổ chức Đảng Lao động Việt Nam với Đảng Nhân dân như: địa phương nào thành lập được Đảng Nhân dân thì trong các tổ chức Đảng Lao động Việt Nam chỉ có các đảng viên người Việt Nam. Quan hệ giữa tổ chức Đảng Lao động Việt Nam với tổ chức Đảng Nhân dân dựa trên tinh thần quốc tế anh em để liên lạc giúp đỡ nhưng phải bí mật.
Ngày 19 tháng 2- năm 1951
Liên quân Lào - Việt đánh đồn Nặm Phả Năng
Thực hiện chủ trương tăng cường hoạt động đánh địch, ngày 19 tháng 2 năm 1951, Tiểu đoàn 2 thuộc Đoàn 280 quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với đội du kích Bạn Naphào (Lào) đánh tập kích vào đồn Nặm Phả Năng (nằm giữa hai đồn Bạn Naphào và Pạc Cuội), loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên, số còn lại hoảng sợ bỏ đồn chạy trốn. Liên quân Việt - Lào thu hai súng trung liên, 600 viên đạn. Đây là trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn 2 trong quá trình hoạt động ở vùng đồng bằng Mahả Xây (Lào). Sau khi làm chủ đồn Nặm Phả Năng, Tiểu đoàn 2 tổ chức hành quân làm công tác vũ trang tuyên truyền trong các tàxẻng (tổng) thuộc huyện Mahả Xây. Đi đến đâu, cán bộ, chiến sĩ tình nguyện đều tập trung dân tuyên truyền về chiến thắng, đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch, khẳng định tình đoàn kết Việt - Lào chống thực dân Pháp xâm lược, được nhân dân địa phương hoan nghênh, mến phục. Ngay sau đó, Tiểu đoàn 2 phóng thích ba tù binh, cho phép trở về đoàn tụ gia đình. Trước sự rộng lượng của ta, họ hết sức cảm phục, biết ơn cách mạng và hứa trở về quê làm ăn chân chính, không đi lính theo Pháp chống lại nhân dân nữa.
Trong thời gian này, tại đồn Bạn Naphào có một tiểu đội trưởng quân nguỵ Lào được cách mạng giác ngộ, đã dẫn đầu một tiểu đội gồm 10 người, mang đầy đủ vũ khí ra đầu hàng bộ đội Việt - Lào. Tin binh lính đồn Bạn Naphào rời bỏ hàng ngũ địch trở về với Mặt trận Lào Ítxalạ được lan truyền nhanh chóng ra các địa phương, làm hoang mang tinh thần binh lính trong các đồn địch, tạo khí thế phấn khởi, càng tin tưởng vào kháng chiến của nhân dân.
THÁNG 3- năm 1951
Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đề ra nhiệm vụ quân sự trên chiến trường Thượng Lào
Nhằm đẩy mạnh kháng chiến, tháng 3 năm 1951, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đề ra nhiệm vụ quân sự trên chiến trường Thượng Lào năm 1951 là: đẩy mạnh chiến tranh du kích nhằm phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam với phương châm chiến lược du kích chiến là chính, tiến tới vận động chiến. Chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang địa phương và xây dựng căn cứ địa vững chắc.
Phương thức hoạt động chủ yếu là vũ trang tuyên truyền dưới hình thức ban xung phong công tác, đại đội độc lập hoạt động nhằm phát triển du kích chiến rộng rãi. Giúp đỡ xây dựng quân đội cách mạng Lào, ra sức đào tạo cán bộ người Lào. Lấy khu tam giác Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luổng Phạbang làm trung tâm xây dựng thành căn cứ địa vững chắc. Giáo dục cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần tinh thần quốc tế, nhận thức rõ Đông Dương là một chiến trường và tầm quan trọng của mối quan hệ mật thiết giữa Lào và Việt Nam.
Từ ngày 11 đến 13 tháng 3- năm 1951
Hội nghị thành lập Mặt trận đoàn kết liên minh Việt - Miên - Lào
Để củng cố tinh thần đoàn kết liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa sự nghiệp giải phóng của mỗi nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, từ ngày 11 đến 13 tháng 3 năm 1951, tại chiến khu Việt Bắc, các đại diện của ba mặt trận: Liên Việt, Ítxalạ và Ítxarắc đã họp Hội nghị thành lập Mặt trận đoàn kết liên minh Việt - Miên - Lào.
Hội nghị thảo luận tình hình thế giới, Đông Dương, phân tích tình hình mỗi nước và xác định nhiệm vụ cơ bản cũng như nhiệm vụ trước mắt của từng nước và nhất trí khẳng định một số điểm quan trọng:
1. Cuộc kháng chiến của ba dân tộc Việt Nam - Miên - Lào là một bộ phận khăng khít của khối hòa bình dân chủ thế giới.
2. Đánh đuổi thực dân Pháp, can thiệp Mỹ làm cho ba nước Việt - Miên - Lào hoàn toàn độc lập là nhiệm vụ cơ bản của cách mạng mỗi nước.
3. Phải tăng cường tình đoàn kết, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau để chống kẻ thù chung của mỗi dân tộc mới chóng thành công.
4. Hội nghị cử ra một Ủy ban liên minh Việt - Miên - Lào để thực hiện việc liên lạc phối hợp giữa ba dân tộc trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập ở mỗi nước.
Từ ngày 13 đến 16 tháng 3- năm 1951
Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam
Nhằm đáp ứng với tình hình mới, từ ngày 13 đến 16 tháng 3 năm 1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã họp Hội nghị lần thứ nhất, ra nghị quyết về việc tổ chức và đề ra nhiệm vụ giúp cách mạng Lào - Miên. Đối với cách mạng Lào, nghị quyết nêu rõ: đối với bộ phận Đảng Lao động Việt Nam ở Lào, để thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Đảng, các đồng chí ở Lào sẽ thành lập bộ phận Đảng Lao động Việt Nam ở Lào. Mỗi bộ phận phải tổ chức theo một hệ thống thích hợp, để thống nhất sự chỉ đạo từ trên xuống. Hệ thống ấy là Ban Cán sự các cấp và dưới cùng là chi bộ (địa phương, cơ quan, đơn vị).
Nhiệm vụ của bộ phận Đảng Lao động Việt Nam ở Lào là: giúp đỡ cách mạng Lào; động viên, tổ chức, lãnh đạo Việt kiều tham gia và ủng hộ cách mạng Lào; phục vụ quyền lợi Việt kiều. Bộ phận Đảng Lao động Việt Nam ở Lào, nếu nơi nào xét có lợi thì công khai hợp pháp; nơi nào xét không có lợi thì bí mật.
Về Đảng Nhân dân Lào, nghị quyết nêu rõ: để sự lãnh đạo cách mạng dân tộc giải phóng Lào thích hợp với tình hình của Lào và tình hình thế giới hiện nay, Đại hội lần thứ II đã ra nghị quyết giúp đỡ những người cách mạng tiên tiến Lào thành lập một chính đảng nhân dân cách mạng, gồm những người ái quốc và dân chủ, trung thành, hăng hái và có ý nghĩa nhất trong hàng ngũ kháng chiến Lào. Chính cương của Đảng sẽ căn cứ vào những nguyên tắc nêu trong Luận cương cách mạng Lào và tình hình cụ thể của nước Lào mà định.
Về quan hệ giữa bộ phận Đảng Lao động Việt Nam ở Lào và “Nhóm” hay Đảng Nhân dân Lào là quan hệ của tổ chức Lào, dựa trên tinh thần quốc tế chủ nghĩa.
Bộ phận Đảng Lao động Việt Nam sẽ phân công một số đồng chí phụ trách liên lạc và giúp đỡ “Nhóm” hay Đảng Nhân dân Lào. Những việc liên lạc này phải giữ đúng nguyên tắc bí mật. Tiếp đó, ngày 16 tháng 4 năm 1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết “Về việc thành lập các ban và tiểu ban giúp việc” Trung ương. Đối với Tiểu ban Miên - Lào gồm các đồng chí Phạm Tô (tức Phạm Văn Đồng) làm trưởng ban, Hoàng Quốc Việt, Văn (tức Võ Nguyên Giáp) làm ủy viên.
(còn tiếp)
(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011).