Cấm quảng cáo sữa trẻ em dưới 12 tháng tuổi

15:15, 21/06/2012

Với sự tán thành cao (97,60%), sáng nay (21/6), Quốc hội đã thông qua Luật Quảng cáo với nhiều điểm mới. Đáng chú ý tại Khoản 4 điều 7 quy định về cấm quảng cáo sữa dùng thay thế sữa mẹ cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi đã có 94,99% số đại biểu bấm nút ủng hộ.

Trước đó, theo tờ trình có hai phương án được trình, theo đó phương án một đề nghị cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi, phương án hai thiên về bảo vệ các doanh nghiệp.

 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhà nước cũng khẳng định rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh trong những năm đầu tiên.

 

Trong khi, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2010, ở Việt Nam, chỉ 19,6% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn. Điều này có nghĩa là có đến trên 80% số trẻ nhỏ cần phải sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

 

Hơn nữa, hiện nay, pháp luật về y tế đang quy định nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức.

 

Quảng cáo trên truyền hình không quá 5% tổng thời lượng

 

Quốc hội cũng thông qua quy định thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không quá 5% tổng thời lượng, chỉ bằng 1/2 tỷ lệ thời lượng quảng cáo trên truyền hình quảng bá.

 

Trước đó, trong các phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị giảm bớt thời lượng cho phép quảng cáo trên truyền hình trả tiền từ 5% xuống còn 3%. Có ý kiến đề nghị không cho phép quảng cáo trong các kênh truyền hình trả tiền.

 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với các kênh truyền hình trả tiền, người xem đã phải trả một phần chi phí cho chương trình truyền hình và đài truyền hình đã có một nguồn thu từ phí truyền hình hàng tháng.

 

Trên thực tế, phí truyền hình trả tiền ở nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực. Hiện tại một hộ gia đình Việt Nam phải trả phí xem truyền hình trung bình là 88.000 đồng/tháng, thấp nhất ở châu Á. Với mức phí này, truyền hình trả tiền ở Việt Nam khó có thể đầu tư nâng cao chất lượng nội dung chương trình nếu không có nguồn thu hợp lý từ quảng cáo. Nếu giới hạn thời lượng quảng cáo chỉ còn 3% như đề nghị của đại biểu thì các nhà cung cấp truyền hình không đủ khả năng đảm bảo chất lượng chương trình hoặc người tiêu dùng sẽ phải trả mức phí cao hơn.

 

 Về quảng cáo trên phương tiện giao thông, Quốc hội cũng biểu quyết không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng (lô-gô), biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định về giao thông.

 

Về quảng cáo ngoài trời, Bộ Xây dựng được giao trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện quảng cáo ngoài trời trong đó có bảng quảng cáo và phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan hướng dẫn các địa phương quy hoạch quảng cáo theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành.

 

Trước đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thời gian cụ thể Bộ Xây dựng phải hoàn thành việc xây dựng bộ quy chuẩn về phương tiện quảng cáo ngoài trời tại Khoản 2 Điều 38.

 

Nhất trí với đề nghị của đại biểu và bổ sung nội dung này vào khoản 2 Điều 38, tuy nhiên, về mốc thời gian cụ thể phải hoàn thành quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện quảng cáo ngoài trời, Quốc hội thấy rằng điểm a khoản 1 Điều 38 đã quy định UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương chậm nhất sau 12 tháng.

 

Trong khi đó, để có thể xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời, trước hết phải xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện quảng cáo ngoài trời. Do vậy, Luật bổ sung quy định Bộ Xây dựng có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện quảng cáo ngoài trời trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày luật này có hiệu lực làm cơ sở để các địa phương ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời đúng thời hạn.

 

Ngoài ra, liên quan đến xử lý vi phạm quy định trong quảng cáo (Điều 11), ngoài các cá nhân, các tổ chức cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm quy định trong quảng cáo.

 

Cũng trong buổi sáng hôm nay, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước sửa đổi; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2010; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Biểu quyết thông qua Luật Biển Việt Nam.