Thăm nhà tưởng niệm, nhớ ơn đồng chí Nguyễn Văn Linh

13:44, 02/09/2013

Những ngày này, khi cả nước đang hướng về Ngày Quốc khánh 2-9 cũng là lúc những người làm báo Đảng tỉnh Thái Nguyên có dịp về quê hương của cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh, một trong những người khởi xướng công cuộc đổi mới cho đất nước. Nơi chúng tôi đến thăm là Khu nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Linh, thuộc xóm Cả, làng Yên Phú, xã Gia Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên).

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1-7-1915 (19-5 Ất Mão) tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), mất ngày 27-4-1998 tại T.P Hồ Chí Minh. Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, đồng chí đã sớm có tinh thần yêu nước và tham gia vào các tổ chức cách mạng của Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), đồng chí thôi giữ chức Tổng Bí thư và làm Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

 

Bác Nguyễn Văn Đường, em họ của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh: Được giao trông coi Khu nhà tưởng niệm này, giới thiệu với du khách gần xa về cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi rất hạnh phúc vì đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

 

Chúng tôi - những người con của quê hương Thái Nguyên chưa một lần trực tiếp được gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh nhưng khi đến đây vẫn thấy thật gần gũi, thân thương. Bác Nguyễn Văn Đường, em họ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, hiện đang trông coi khu vực này cho biết: Nhà tưởng niệm cố Tổng Bí Thư xây dựng trên vị trí đất của gia đình đồng chí. Công trình được khởi công xây dựng tháng 8-2003 và hoàn thành vào tháng 9-2004, với khuôn viên rộng 2.000m2, hạng mục chính là Nhà tưởng niệm 5 gian, có diện tích 254 m2, tường xây, kết cấu mái gỗ lim, cửa thượng song hạ bản. Kiến trúc công trình về tổng thể mang phong cách kiến trúc nhà thờ truyền thống đồng bằng miền Bắc, phù hợp với không gian, cảnh quan của làng xã.


Về nội thất công trình, trên ban thờ là tượng bán thân đồng chí Nguyễn Văn Linh, pho tượng đúc bằng đồng do Thành ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ T.P Hồ Chí Minh hiến tặng. Nội dung đại tự và câu đối do Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu biên soạn, có sự tham gia của một số vị học giả, nhà văn ở T.P Hồ Chí Minh. Trong Nhà tưởng niệm được trưng bày những hiện vật và dấu tích giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong đó có những hoạt động của đồng chí tại quê hương.


Được thăm Khu nhà tưởng niệm, chúng tôi càng hiểu thêm về nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhân dân và quân đội ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người cộng sản kiên định và sáng tạo, một nhân cách lớn, người con yêu quý của quê hương Hưng Yên giàu truyền thống cách mạng. Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng kiên cường, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách, trong mọi hoàn cảnh, đồng chí luôn giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên Cộng sản, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn phấn đấu hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của Đảng. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng và có hiệu quả vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

Là Tổng Bí thư của Đảng trong nhiệm kỳ đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể chủ động sáng tạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những bước hiểm nghèo trong thời kỳ đất nước ta đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Đồng chí đã kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Năm 1987, đồng chí đã phát biểu và viết nhiều bài quan trọng làm sáng tỏ quan điểm đổi mới, đặc biệt là những vấn đề nêu ra dưới tiêu đề “Những việc cần làm ngay” mang bút danh N.V.L đã tạo luồng sinh khí mới trong xã hội: Dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật có tác dụng thúc đẩy các cấp, các ngành, các tổ chức giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong thực tế cuộc sống hàng ngày, đấu tranh chống tiêu cực tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nếp nghĩ, cách làm của mỗi người.


Bác Nguyễn Văn Đường cho rằng: Việc xây dựng Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trên mảnh đất quê hương đã đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân cả nước nói chung, của người dân Hưng Yên nói riêng, thắp sáng thêm ngọn lửa truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và quê hương Hưng Yên, cổ vũ và tiếp sức thêm cho người dân nơi đây thực hiện sự nghiệp đổi mới, sáng tạo như lúc sinh thời, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã luôn tâm niệm và kiên trì thực hiện.


Giờ đây, Nhà tưởng niệm đã trở thành địa chỉ để quen thuộc để nhiều người dân Việt Nam đến thăm. Nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày đồng chí Nguyễn Văn Linh đặt chân về quê hương Hưng Yên sau bao năm tham gia hoạt động cách mạng; nhân các ngày lễ, Tết… lớp lớp cháu con Hưng Yên đều về đây hội tụ, thắp nén hương, tưởng nhớ đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Qua đó đã góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, yêu đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.


Chí mạnh tâm hùng chỉ đạo nhân dân cũng đổi mới/Hương bay, khói tỏa nhớ ơn lãnh tụ đã nhìn xa. Câu đối trên đã nói lên những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh với đất nước. Vị cố Tổng Bí thư đã đi xa nhưng những đóng góp của Người thì mãi mãi vẫn được triệu triệu người dân Việt Nam khắc ghi.